Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

Thứ sáu, ngày 04/10/2019

(BDO) Những năm qua, hoạt động khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện ngành công thương tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này.

 Nghiệm thu đề án hỗ trợ máy móc tại Công ty Cổ phần Nghệ Năng (TX.Thuận An). Ảnh: MY PHAN

 Nâng chất cộng tác viên khuyến công

Ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Sở Công thương, cho biết đã có thời điểm Bình Dương thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Tại các huyện, thị, thành phố nhân lực làm công tác khuyến công phần lớn là kiêm nhiệm dẫn tới hoạt động này không được chú trọng đúng mức.

Bên cạnh đó, công tác khảo sát nhu cầu cũng như tư vấn xây dựng đề án cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có tính khả thi không cao. Thậm chí, có những chương trình, đề án đã triển khai được theo dõi bởi các cán bộ kiêm nhiệm nên không thường xuyên, không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh khiến hiệu quả đạt được không cao. Lãnh đạo sở đã sớm nhận ra những bất cập này và đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn đầu tư nhiều nguồn lực xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công giỏi nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Năm 2015, Sở Công thương đã tham mưu UBND trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, trong đó có mức chi hỗ trợ cho cộng tác viên khuyến công là 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng. Năm 2016, sở tiến hành kiện toàn và phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến công với 17 người, trong đó ưu tiên phát triển cộng tác viên ở những địa phương mới thành lập có tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...

Theo đó, mục tiêu trước hết là xây dựng và hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên khuyến công đến địa bàn cấp huyện và một số xã xây dựng nông thôn mới để chủ động và nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công ở cấp cơ sở. Từ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, chính sách của Nhà nước về khuyến công, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Với đội ngũ làm công tác khuyến công ngày một lớn về lượng và chất, hoạt động khuyến công của tỉnh được cải thiện đáng kể; số lượng các đề án cũng như kinh phí hỗ trợ tăng dần qua các năm. Cụ thể, nếu giai đoạn 2009-2016 kinh phí được cấp thực hiện các chương trình khuyến công từ 2 - 2,5 tỷ đồng/năm, thì từ năm 2017 đến nay mỗi năm ngân sách tỉnh cấp 6 - 7 tỷ đồng. Đặc biệt, với nội dung triển khai ngày một đa dạng, phong phú, bám sát thực tế đã giải quyết tốt những khó khăn và từng bước hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời cải thiện rõ nét tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng của ngành công nghiệp nông thôn tỉnh nhà.

Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn nhưng những giải pháp, kết quả nói trên đã khẳng định hướng đi đúng của các cơ sở sản xuất, giúp cho các doanh nghiệp vững tin trong quá trình đầu tư.

Tăng mức chi cho các hoạt động

Để đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, bên cạnh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chủ lực, ngành công thương tỉnh ý thức được vai trò và đóng góp không nhỏ của công nghiệp nông thôn, trong đó kinh phí khuyến công của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, tác động, kích thích các cơ sở công nghiệp nông thôn có thêm nguồn lực để đầu tư vào phát triển sản xuất.

Nhằm cụ thể hóa các nội dung chi và mức chi một cách rõ ràng, phù hợp với địa phương và áp dụng hỗ trợ thiết thực nhất đến các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động sản xuất trên địa bàn; cùng với đó góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh trình và được HĐND tỉnh nhất trí thông qua nghị quyết về một số nội dung chi và mức chi quan trọng.

Theo đó, đối với chi tổ chức bình chọn, trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, huyện: mức chi hỗ trợ không quá 100.000.000 đồng/lần đối với cấp tỉnh và không quá 50.000.000 đồng/ lần đối với cấp huyện. Chi thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn bao gồm: Giấy chứng nhận, khung, kỷ niệm chương và tiền thưởng; đạt giải cấp tỉnh không quá 4.000.000 đồng/sản phẩm, đạt giải cấp huyện không quá 3.000.000 đồng/sản phẩm.

Đối với chi hỗ trợ để thành lập hội, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh: Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thành lập, nhưng không quá 40.000.000 đồng/hội, hiệp hội; chi hỗ trợ đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn. Cụ thể, đối với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, chi phí mua sắm ban đầu trang thiết bị, dụng cụ quản lý dùng để trưng bày mức hỗ trợ tối đa không quá 250.000.000 đồng/phòng trưng bày. Đối với cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh: Chi phí mua sắm ban đầu trang thiết bị, dụng cụ quản lý dùng để trưng bày mức hỗ trợ tối đa không quá 30.000.000 đồng/phòng trưng bày; cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện chi phí mua sắm ban đầu trang thiết bị, dụng cụ quản lý dùng để trưng bày mức hỗ trợ tối đa không quá 20.000.000 đồng/phòng trưng bày.

Nguồn kinh phí chi hỗ trợ sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế do ngân sách cấp tỉnh; ngân sách cấp huyện cấp hàng năm để thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa tỉnh.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, đây là nghị quyết quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Nghị quyết này cũng tạo bước đột phá trong việc khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Ngoài những nội dung hỗ trợ bằng tiền đối với từng dự án, trong thời gian tới Sở Công thương tiếp tục tổ chức nhiều đợt tập huấn triển khai các quyết định của Trung ương, của tỉnh và chính sách khuyến công của Đảng, Nhà nước đến các địa phương cơ sở để áp dụng.

 Đến nay, toàn tỉnh có 20 cộng tác viên khuyến công, theo lộ trình đến năm 2020 là 35 người. Lực lượng này có nhiệm vụ thống kê danh sách các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn phụ trách, lập kế hoạch và đề xuất các hoạt động khuyến công cụ thể phù hợp với nhu cầu và năng lực của các cơ sở theo định hướng chương trình, kế hoạch khuyến công của tỉnh.

Bên cạnh đó, các cộng tác viên khuyến công có nhiệm vụ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở gặp phải, những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tổng hợp trình cấp có thẩm quyền giải quyết. Lực lượng này còn làm đầu mối triển khai các hoạt động khuyến công và tham gia hướng dẫn thực hiện các đề án triển khai trên địa bàn; tư vấn, hỗ trợ các cơ sở liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội, hội ngành nghề...

 MY PHAN