Nâng cao hiệu quả hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thứ tư, ngày 22/05/2019

(BDO) Nhằm đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh vừa thành lập đoàn giám sát tại một số cơ sở GDNN trong tỉnh. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát.

 - Qua đợt giám sát, ông đánh giá như thế nào về công tác GDNN, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở GDNN trong tỉnh, cũng như buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đơn vị quản lý cơ sở GDNN, cho thấy mạng lưới các cơ sở GDNN của tỉnh tiếp tục được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm. Điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN đang từng bước được nâng lên để đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hàng năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng hơn 30.000 học viên. Nhiều cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tỷ lệ học sinh từ lớp 9 vào học nghề đã tăng lên, công tác phân luồng tốt hơn, nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các khóa đào tạo đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó, góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Việc tổ chức đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đổi mới đào tạo, các trường cũng đã liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên, sinh viên sau khi ra trường.

Đoàn giám sát Ban VH-XH HĐND tỉnh khảo sát tại trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương

- Thưa ông, thời gian qua, việc liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp đã có những đổi mới, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, sự liên kết này được kỳ vọng sẽ đem lại những bứt phá mới trong GDNN. Việc hợp tác với cơ sở GDNN sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề, như: Có nguồn nhân lực ổn định, có năng lực phù hợp ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, doanh nghiệp giải quyết được nhiều bài toán về chi phí đào tạo, xây dựng giáo trình và các chi phí khác, nhất là ở một số lĩnh vực cần đầu tư nhiều trang thiết bị tốn kém. Các cơ sở GDNN đào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội đưa sinh viên, học sinh đi thực tập tại doanh nghiệp để vững tay nghề sau khi ra trường; mặt khác tạo được thương hiệu cho mình khi sinh viên, học sinh ra trường có việc làm ổn định.

- Một số cơ sở GDNN có ý kiến về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề còn thấp, Ban VH-XH HĐND tỉnh có kiến nghị gì về vấn đề này, thưa ông?

- Thời gian qua, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách cho ngành giáo dục - đào tạo, trong đó có chính sách dạy nghề mà các giáo viên, sinh viên, học sinh đã và đang được thụ hưởng. Tuy nhiên, chính sách này đã ban hành khá lâu, hiện nay đang rà soát để bổ sung cho phù hợp. Ban VH-XH sẽ nắm tình hình, có kiến nghị với HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay, ngành giáo dục - đào tạo đang tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh một số nghị quyết của ngành và sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên.

- Sau khi sát nhập, các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên các huyện, thị còn chậm triển khai thực hiện tổ chức dạy văn hóa trong trung tâm, lý do tại sao, thưa ông?

- Hiện nay, khối GDNN khi học sinh vào học, nếu có mong muốn học văn hóa phải được tạo điều kiện học tập. Trong quá trình học, các em đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận tương đương với THPT. Thời gian qua, các cơ sở GDNN, trung tâm có thực hiện nhưng do mới sát nhập và sự phối hợp dạy văn hóa giữa ngành giáo dục - đào tạo và ngành LĐ-TB&XH chưa được tốt nên gián đoạn. Thời gian sắp tới, đoàn khảo sát đã đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở LĐ-TB&XH tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa. Nếu các em đạt được số tiết học theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận tương đương với THPT khối giáo dục thường xuyên. Trong quá trình phối hợp, các ngành phải tăng cường kiểm tra để tránh những trường hợp vi phạm.

- Hiện nay, các nghề trọng điểm theo đề án của tỉnh giai đoạn 2016-2020 không còn phù hợp, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đối với đề án nghề trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016- 2020, UBND tỉnh nên rà soát, đánh giá nghề trọng điểm giai đoạn này để sàng lọc, bỏ bớt những ngành nghề không còn phù hợp. Trong giai đoạn mới, UBND tỉnh nên chỉ đạo các ngành xây dựng đề án mới về các nghề trọng điểm của tỉnh phù hợp hơn nhằm đáp ứng nhân lực cho thành phố thông minh Bình Dương, tỉnh công nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở các nghề mới, các cơ sở GDNN sẽ mở các chỉ tiêu, mã ngành bảo đảm phù hợp với nhu cầu nhân lực của tỉnh hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

THIÊN LÝ (thực hiện)