Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tạm trú

Thứ hai, ngày 02/12/2019

(BDO) Công an (CA) TX.Dĩ An vừa tổ chức tọa đàm khoa học về công tác quản lý tạm trú (QLTT) phòng ngừa tội phạm của cảnh sát khu vực. Tại buổi tọa đàm, đại diện CA các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp, cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLTT để góp phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tại TX.Dĩ An nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung.


Công an phường Đông Hòa kiểm tra công tác đăng ký tạm trú tại các nhà trọ

Góp phần bảo vệ an ninh trật tự

Hiện trên địa bàn TX.Dĩ An có hơn 471.000 dân, trong đó dân số tạm trú chiếm 59%. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị xã còn có 7 khu, cụm công nghiệp với hơn 2.600 doanh nghiệp và một khu đô thị Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cùng khoảng 50.000 sinh viên học tập và sinh sống. Cùng với đó là sự biến động trong di cư diễn ra thường xuyên do nhu cầu về việc làm, học tập. Vì vậy, công tác QLTT luôn được CA TX.Dĩ An xác định là nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự (ANTT).

Nhờ làm tốt công tác QLTT đã giúp CA TX.Dĩ An điều tra, khám phá nhiều vụ án, bắt nhiều đối tượng vi phạm pháp luật. Đồng thời, qua công tác QLTT, các địa phương đã phát hiện và cung cấp nhiều thông tin cho các lực lượng chức năng phục vụ truy bắt đối tượng truy nã, trốn thi hành án, quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở. Ngoài ra, công tác QLTT còn góp phần giúp việc xử lý hành chính trong lĩnh vực ANTT, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được thuận lợi hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLTT nhất là đăng ký tạm trú trên địa bàn TX.Dĩ An còn gặp một số khó khăn. Nói thêm điều này, thượng tá Đàm Bảo Quân, Phó trưởng CA TX.Dĩ An, cho rằng: “Hiện nay, một số quy định pháp luật về quản lý cư trú còn chưa cụ thể, chưa đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính. Công tác nắm tình hình, quản lý di biến động nhân khẩu tạm trú, quản lý đối tượng còn hạn chế. Việc trao đổi thông tin về nhân khẩu, hộ khẩu tạm trú giữa các cấp, đơn vị nghiệp vụ chưa thường xuyên, kịp thời. Một bộ phận cán bộ làm công tác QLTT còn thiếu trình độ chuyên môn. Điều kiện vật chất để thực hiện công tác QLTT đối với người nhập cư trên địa bàn thị xã còn thiếu và lạc hậu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào QLTT còn hạn chế, đặc biệt chưa tích hợp công tác QLTT vào việc phòng ngừa tội phạm, gây ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong tình hình hiện nay”.

Theo đại úy Nguyễn Phong Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội CA TX.Dĩ An, theo quy định tại Khoản 5, Điều 30 Luật Cư trú 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, trường hợp đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động từ 6 tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ đăng ký tạm trú phải xóa tên người đó ra khỏi đăng ký tạm trú. Thực tế trên địa bàn TX.Dĩ An số nhân khẩu tạm trú luôn biến động, nhiều trường hợp đăng ký tạm trú không ở lâu, thay đổi đăng ký tạm trú nhưng không xóa đăng ký tạm trú nơi cũ dẫn đến một người đăng ký tạm trú ở nhiều nơi. Trong trường hợp một người đăng ký thường trú trên địa bàn một phường đã bán nhà nhưng còn hộ khẩu thường trú và đang ở một căn nhà trên địa bàn phường này nhưng lại không đủ điều kiện đăng ký thường trú thì không được đăng ký tạm trú khi người dân có nhu cầu. Vì theo quy định một người dân đã đăng ký thường trú trên địa bàn phường thì không được đăng ký tạm trú. Cũng theo quy định, thủ tục đăng ký tạm trú không cần có chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, để phục vụ công tác quản lý con người, CA địa phương yêu cầu người dân cung cấp thêm chứng minh nhân dân để phục vụ công tác nghiệp vụ. Ngoài ra, mức xử lý hành chính về hành vi vi phạm QLTT chưa đủ sức răn đe.

Phát huy vai trò cảnh sát khu vực

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đăng ký tạm trú phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về ANTT, thượng tá Nguyễn Văn Lược, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội CA tỉnh, đề xuất cần quan tâm, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác QLTT, đặc biệt là cấp cơ sở với tiêu chí đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, am hiểu về pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy với công việc và hết lòng phục vụ nhân dân.

Theo thượng tá Lược, đối với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính, đặc biệt là cấp cơ sở cần phải nắm và tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ hồ sơ đăng ký tạm trú ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó cần kiểm tra nhân, hộ khẩu định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh cho thuê trọ, lưu trú nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cư trú.

Cùng với công tác kiểm tra, CA cấp cơ sở cần hướng dẫn các cơ sở trọ phối hợp với CA địa phương thực hiện tốt quy định về đăng ký tạm trú khi có người đến thuê trọ và khai báo các trường hợp không còn lưu trú để CA địa phương xóa đăng ký tạm trú theo quy định. Ngoài ra, CA địa phương cần thống kê, lập danh sách các cơ sở hoạt động trên địa bàn kết hợp với lập danh sách nhân khẩu tạm trú theo vùng miền để phục vụ công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Đối với công tác phát động phong trào, thượng tá Lược đề nghị CA cơ sở phải giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quần chúng nòng cốt cơ sở ở địa phương. Vì thông qua các tổ chức quần chúng sẽ giúp CA tiếp cận, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, di biến động của nhân khẩu cư trú trên địa bàn, góp phần phát hiện, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Đồng thời định kỳ 6 tháng, CA cơ sở phải có kế hoạch tổ chức rà soát, phân loại, đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ nhân dân tự quản để kịp thời củng cố, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động.

Ngoài ra, CA địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, đăng ký cư trú nói chung và quản lý, đăng ký tạm trú nói riêng nhằm phục vụ đắc lực trong công tác tra cứu, cập nhật thông tin về nhân khẩu được nhanh chóng chính xác.

Cùng đề cập đến vấn đề củng cố lực lượng cảnh sát khu vực, thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng khoa Cảnh sát quản lý hành chính trường Đại học Cảnh sát nhân dân, nêu kiến nghị CA địa phương cần quan tâm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát khu vực để nâng cao khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ban chỉ huy CA cần chỉ đạo cảnh sát khu vực làm tốt công tác nắm tình hình ở cơ sở, trong đó quan tâm đến công tác phân loại nhân khẩu. Việc thực hiện phân loại nhân khẩu sẽ giúp CA địa phương chủ động trong công tác phòng chống tội phạm. Riêng với mỗi cảnh sát khu vực cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quản lý, đăng ký tạm trú.

Bên cạnh đó, theo thiếu tá Hải, CA địa phương cũng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về QLTT. Trong đó, công tác tuyên truyền không chỉ cho người dân mà còn cho cả lực lượng CA, các ban ngành, đoàn thể để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác QLTT.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc CA tỉnh, biểu dương việc CA TX.Dĩ An đã tổ chức buổi tọa đàm này. Đại tá Chính cũng đề nghị CA các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các quy định pháp luật về công tác QLTT và tăng cường tuyên truyền pháp luật về QLTT để các tầng lớp nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký tạm trú.

Đối với cảnh sát khu vực cần phối hợp với các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, đăng ký tạm trú nhằm phục vụ cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. CA các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra cư trú kết hợp với công tác nghiệp vụ cơ bản và chuyển hóa địa bàn; xây dựng và củng cố các mô hình quần chúng tự quản về ANTT; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, đăng ký tạm trú; chú trọng xây dựng lực lượng, tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực; tăng cường ý thức, trách nhiệm đối với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính nói chung và cảnh sát khu vực nói riêng trong việc thực hiện quản lý, đăng ký tạm trú và xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà trong nhân dân.

 NGUYỄN HẬU