Nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện sau cai

Thứ hai, ngày 21/11/2022

(BDO)  Công tác quản lý người nghiện sau cai luôn được xác định là khâu quan trọng trong quá trình cai nghiện ma túy nên luôn được ngành chức năng quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, do đó để nâng cao hiệu quả qun lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện đang là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay…

 Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp tổ chức chương trình “Tương lai xanh cho người lầm lỡ” tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh vào ngày 13-11

 Người nghiện ngày càng trẻ hóa

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), số lượng người nghiện ma túy được đưa vào cơ sở từ ngày 1-10-2021 đến hết 24-9-2022 là 723 người; trong đó có 107 người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, 616 người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Số lượng người nghiện ma túy được tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian cai nghiện, học tập, lao động trị liệu tại cơ sở được cơ sở cai nghiện đề nghị tòa án xét ra quyết định miễn giảm trong thời gian từ ngày 1-10-2021 đến hết 24-9- 2022 là 494 người; trong có 160 người nghiện ma túy chấp hành tốt được đề nghị xét ra theo quyết định miễn, giảm của tòa án và 334 người nghiện ma túy chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nhìn chung, số lượng người nghiện được đưa vào cơ sở cai nghiện ngày càng tăng. Đa số các đối tượng từ các tỉnh, thành khác vào Bình Dương sinh sống. Tỷ lệ người nghiện dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người nghiện ma túy được đưa vào cơ sở. Đa phần các đối tượng nghiện đều không có việc làm và không được đào tạo nghề. Sau khi được tiếp nhận vào cơ sở người nghiện sẽ được tư vấn hỗ trợ điều trị cắt cơn và tham gia vào các hoạt động lao động trị liệu để cải thiện sức khỏe thể chất, tâm trí, tăng cường ý thức tổ chức, kỷ cương trong lao động, nâng cao tinh thần tự lập giúp người nghiện nhận thức được thành quả giá trị lao động của bản thân.

Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Hậu quả do ma túy gây ra hết sức nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Vì vậy, công tác cai nghiện thời gian qua luôn được sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đối với việc cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay đã có 494 người cai thành công. Cơ sở cũng luôn chú trọng công tác định hướng đào tạo nghề cho người nghiện để tạo hành trang cho họ khi tái hòa nhập cộng đồng có công việc làm ổn định nhằm tránh bị tái nghiện”.

Khi người nghiện không… tự nguyện cai

Theo đánh giá của Sở LĐ- TB&XH, việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng là một nhiệm vụ khó khăn và hiệu quả thời gian qua chưa cao. Nguyên nhân chính do phần lớn người nghiện không tự nguyện cai. Do đó, công tác này cần có thời gian dài để từng bước tuyên truyền, vận động. Thực tế cho thấy vấn đề quản lý người cai nghiện xong trở về cộng đồng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho công tác cai nghiện không đạt được kết quả bền vững. Cái nhìn thiếu thiện cảm của gia đình và xã hội về những đối tượng sau cai nghiện vừa trở về nhà khiến người sau cai mang nặng mặc cảm, tự ti. Bản thân họ cũng thiếu chủ động tự ổn định cuộc sống, tìm việc làm. Địa phương đã tạo cơ hội học nghề, vay vốn qua các kênh để tự tạo việc làm, nhưng thực tế có rất ít trường hợp tự vươn lên.

 “Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, thời gian tới Sở LĐ-TB&XH chú trọng phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường về số lượng và chất lượng của nhân viên và người lao động tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương; từng bước thay đổi cách thức hoạt động để nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý tại các cơ sở để tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn”.

(Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH)

Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết thêm: “Để công tác cai nghiện ma túy thời gian tới đạt được hiệu quả và đi vào chiều sâu, chúng tôi tiếp tục quán triệt phương châm lấy phòng ngừa là chính, hạn chế phát sinh người nghiện mới; đồng thời chú trọng tuyên truyền về tác hại của ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người dễ tổn thương bởi tội phạm và tệ nạn ma túy, tạo sự đồng thuận và sức lan tỏa của toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống ma túy. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với công an và các ngành nắm chắc tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; huy động sự tham gia và tăng cường trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với công tác cai nghiện ma túy; tổ chức xây dựng, nhân rộng mô hình cai nghiện hoạt động hiệu quả; tổ chức quản lý người đã hoàn thành các biện pháp cai nghiện ma túy, bao gồm quản lý về cư trú, tư vấn giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện ma túy, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tái sử dụng trái phép chất ma túy, tái nghiện hoặc các hành vi vi phạm pháp luật”.

 TÂM TRANG