Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến – Bài 1

Thứ hai, ngày 23/12/2019

(BDO) Bài 1: Nhiều hệ lụy phát sinh!

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 450 nhà dẫn dụ, gây nuôi chim yến (NCY) và số lượng này không ngừng tăng theo từng năm. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, các hộ NCY không đúng theo quy định cũng đang gây ra những lo ngại về môi trường, tiếng ồn, vệ sinh thú y… làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.


Công trình xây dựng gần UBND xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng có dấu hiệu sử dụng vào mục đích nuôi chim yến bị UBND huyện đình chỉ thi công và xử phạt hành chính

Một người lợi, nhiều người “khổ”!

Một ngày đầu tháng 12, P.V đến “thủ phủ” chim yến ở huyện Dầu Tiếng để tìm hiểu hoạt động NCY tại đây. Dọc theo tuyến đường ĐH704 (đoạn qua hai xã Định An và Minh Tân), P.V ghi nhận có hàng chục nhà NCY. Điểm chung của các nhà NCY này là nằm liền kề với chủ sở hữu và gần với những hộ dân xung quanh. Ngoài ra, nhiều người dân cải tạo, cơi nới nhà ở của gia đình thành nhà NCY kết hợp với nhà ở. Khi đến gần UBND xã Minh Tân, P.V đã nghe tiếng máy phát dẫn dụ chim yến từ hàng trăm nhà NCY gần đó.

Theo tìm hiểu của P.V, từ khoảng 10 năm trước, bà Vũ Thị T. thấy chim yến đến làm tổ trong nhà nên đã sử dụng máy phát dẫn dụ chim yến về để gây nuôi. Từ việc thấy hoạt động NCY của bà T. có lợi nhuận cao nên nhiều người dân địa phương đầu tư xây dựng nhà NCY. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng nhà NCY trên địa bàn xã Minh Tân tăng đột biến. Riêng khu vực gần chợ và UBND xã Minh Tân đã có khoảng hơn 100 nhà NCY. Đáng nói, theo quan sát của P.V, xung quanh trường Mẫu giáo Minh Tân và trường THCS Minh Tân (ấp Tân Đức, xã Minh Tân) có đến 7 nhà NCY mở máy phát dẫn dụ chim yến kêu inh ỏi trong giờ học sinh đang học. Ngoài vấn đề tiếng ồn, người dân lo lắng nếu không may xảy ra dịch bệnh trên chim yến thì sức khỏe của các học sinh trong trường sẽ bị ảnh hưởng.

Trao đổi với P.V về vấn đề tiếng ồn do hoạt động NCY, lãnh đạo UBND xã Minh Tân cho biết, đa số các hộ dân NCY trên địa bàn hiểu được âm thanh từ tiếng máy phát dẫn dụ chim yến sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh nên chấp hành quy định về khoảng thời gian mở máy. Theo đó, người dân NCY ở địa phương chỉ mở máy phát theo quy định là từ 6 giờ đến 21 giờ. Bên cạnh đó, người dân cũng tự chủ động trong việc vệ sinh nhà NCY và phòng ngừa dịch bệnh theo sự hướng dẫn và giám sát của cơ quan chức năng.

Còn tại TX.Dĩ An, hiện có 9 nhà NCY, đều nằm trong khu dân cư. Điển hình như nhà NCY, quy mô 3 tầng đã có từ lâu trong khu dân cư 19-8 (khu phố Tây B, phường Đông Hòa). Trong khi chủ sở hữu thu lợi từ hoạt động NCY thì hàng chục hộ dân xung quanh phải chấp nhận “sống chung” với tiếng ồn từ máy phát dẫn dụ chim yến mở liên tục trong ngày. Người dân ở đây cho biết chủ nhà NCY này ở TP.Hồ Chí Minh và chỉ xuống đây khi thu hoạch tổ yến. Trước đây, báo Bình Dương từng có bài viết phản ánh nhà NCY này gây ô nhiễm tiếng ồn nhưng đến nay đã hơn 5 năm tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn.

Tương tự, tại khu vực Trung tâm Hành chính TX.Dĩ An (phường Dĩ An) hiện đang có 2 nhà NCY mở máy phát dẫn dụ chim yến cả ngày.

Vấn đề NCY phát sinh tiếng ồn cũng được nhiều người dân ở các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một... phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri. Đa số các nhà NCY bị phản ánh về tiếng ồn đều nằm trong khu dân cư.

Nguy cơ “vỡ” quy hoạch

Thời gian qua, UBND huyện Dầu Tiếng đã có nhiều công văn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các ngành chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động NCY trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Cụ thể vào ngày 9-1-2019, UBND huyện Dầu Tiếng có Công văn số 20/UBND-KT về việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các địa điểm NCY. Theo đó, UBND huyện Dầu Tiếng chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị thường xuyên xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở xây dựng mới không có giấy phép xây dựng, chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà NCY. Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện thường xuyên giám sát, hướng dẫn các cơ sở NCY thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân NCY tại địa phương chấp hành thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động NCY theo hướng dẫn của Phòng Kinh tế huyện. Đối với các cơ sở NCY, UBND huyện Dầu Tiếng yêu cầu phải tuân thủ chấp hành quy định về hoạt động NCY.

Mặc dù UBND huyện Dầu Tiếng đã quyết liệt chỉ đạo việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hoạt động NCY, nhất là trong lĩnh vực xây dựng nhưng tình hình xây dựng nhà NCY hoặc cải tạo nhà ở sang nhà NCY không đúng quy định vẫn diễn ra. Mới đây, UBND huyện Dầu Tiếng đã xử phạt hành chính ông Đ.V.K. (ngụ xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng) 25 triệu đồng về hành vi “Tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới”. Đồng thời, UBND huyện Dầu Tiếng yêu cầu ông K. lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định.

Trước đó vào ngày 5-12, P.V ghi nhận công trình của ông K. đã cơ bản hoàn thành xong phần thô. Trên công trình nhà có nhiều ô nhỏ hình chữ nhật giống với các nhà NCY bên cạnh. Đáng nói, công trình này nằm gần trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự xã Minh Tân chỉ vài chục mét. Nếu ông K. sử dụng công trình trên vào hoạt động NCY thì có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ ở đây. Trong khi đó, theo Quyết định 823/QĐ-UBND ngày 28-12-2017 của UBND huyện Dầu Tiếng về phê duyệt quy hoạch “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Dầu Tiếng” (gọi tắt là Quy hoạch 823), khu vực trung tâm xã Minh Tân không phải vùng quy hoạch khuyến khích hoạt động NCY.

Về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Minh Tân thừa nhận, theo Quyết định 823, khu vực UBND xã Minh Tân được quy hoạch là trung tâm hành chính xã. Vì vậy, các hộ NCY ở đây là không phù hợp với quy hoạch của địa phương. (Còn tiếp)

 Bà Nguyễn Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: “Trước lợi nhuận “khá lớn” từ hoạt động NCY, người dân địa phương xin giấy phép xây dựng nhà ở nhưng lại chuyển đổi công năng sang NCY. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn cải tạo, cơi nới nhà ở thành nhà NCY. Khi chính quyền địa phương đến kiểm tra thì những hộ dân này chống chế rằng thấy chim yến về nên lắp thêm máy phát dẫn dụ chim yến để tăng thu nhập”. Bà Thìn cho biết thêm, ngay từ ban đầu, chính quyền địa phương xuống những công trình bắt đầu thi công để kiểm tra giấy phép xây dựng nhằm phòng ngừa xây dựng không phép, nhất là xây dựng nhà NCY. Khi phát hiện công trình nào có dấu hiệu sai thiết kế thì UBND xã đều lập biên bản đề nghị Phòng Quản lý đô thị huyện kiểm tra; đồng thời thường xuyên giám sát quá trình thi công. Riêng trong năm 2019, UBND xã đã lập biên bản và đề nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 10 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng có liên quan đến công trình nhà NCY.

* Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thư, Chủ tịch UBND xã Định An, cho biết: “Hoạt động NCY trên địa bàn xã chủ yếu là tự phát và không phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế địa phương, khiến chính quyền địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý. Ban đầu, UBND huyện cấp phép xây dựng nhà ở nhưng người dân địa phương lại cải tạo, chuyển đổi công năng sang NCY. Khi phát hiện công trình xây dựng có dấu hiệu sử dụng để NCY thì UBND xã lập biên bản báo cho cơ quan chức năng để kiểm tra xử lý. Tại địa phương đã có một số trường hợp bị UBND huyện Dầu Tiếng xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng có liên quan đến việc xây dựng nhà NCY”.

Theo tìm hiểu của P.V, trên địa bàn xã Định An có hơn 20 nhà NCY, trong đó hầu hết đều nằm trong khu dân cư và không được UBND huyện Dầu Tiếng chấp thuận chủ trương NCY.

 NGUYỄN HẬU