Nâng cao hiệu quả công tác giải tỏa chợ tự phát Bài 1: Nhiều chợ tự phát trở thành “điểm nóng”
(BDO) Thời gian qua, TX.Thuận An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tự phát (CTP) buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường gây mất trật tự đô thị và an toàn giao thông. Kết quả, địa phương đã giải tỏa được 13/25 CTP nhưng vẫn có khả năng nhiều CTP tiếp tục tái hoạt động trở lại.
“Điệp khúc” dẹp xong lại họp!
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo giải tỏa CTP, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn TX.Thuận An, hiện nay địa phương còn 12 CTP. Hầu hết các CTP này đã tồn tại từ lâu và tập trung chủ yếu tại các địa bàn giáp ranh khu công nghiệp và các tuyến đường trọng điểm.
Bất chấp nguy hiểm, một chợ tự phát vẫn họp giữa đường, gần khu vực chợ 78 (KP.Hòa Lân 2, phường Thuận Giao) (Ảnh chụp chiều ngày 11-3)
Cụ thể, tại phường Thuận Giao hiện có 3 CTP, gồm: Khu vực gần Công ty Thái Bình Dương; trước nhà bà Thơ (đường 22-12) và khu dân cư Thuận Giao. Mặc dù UBND phường Thuận Giao thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, các tiểu thương lại kéo xe hàng ra vỉa hè để buôn bán. Cùng với đó, một số người bán hàng rong từ nơi khác điều khiển xe máy có gắn kệ hàng đứng dưới lòng lề đường để bán. Không những thế, nhiều tiểu thương nơi đây còn giết mổ gia cầm và cá ngay tại vỉa hè, nước thải được đổ thẳng ra mặt đường khiến khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng.
Tương tự, phường An Phú cũng đang tồn tại 5 điểm “nóng” buôn bán tự phát. Các CTP này thường họp trước cổng công ty có số lượng công nhân lớn hoặc gần khu công nghiệp. Điển hình như CTP gần Công ty Minh Dương, Green River Wood (đường ĐT743, KP.1B) và Well Fast (đường 22-12) thường hợp “chớp nhoáng” khoảng 1 đến 2 giờ vào thời gian tan ca dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Riêng CTP trên đường D5 (khu dân cư Việt - Sing) là điểm “nóng” đã tồn tại từ lâu. Nhằm chấn chỉnh hoạt động buôn bán gây mất trật tự đô thị tại đây, UBND phường An Phú đã kẻ vạch sơn giới hạn không gian trưng bày hàng hóa; đồng thời thường xuyên cử lực lượng chức năng đứng chốt kiểm tra. Khi vắng bóng lực lượng chức năng, nhất là vào những ngày cuối tuần, nhiều người bán hàng rong từ nơi khác “trưng dụng” lòng đường để bán. Để cạnh tranh với hàng rong, các tiểu thương bán hàng trong ki-ốt kéo hàng hóa ra lề đường bán. Nếu họ thấy lực lượng chức năng thì đẩy vào. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền địa phương nhiều lần dẹp nhưng lại “đâu vào đấy!”.
CTP trong khu dân cư 434 (KP.Bình Đáng, phường Bình Hòa) cũng có đặc điểm buôn bán như CTP trong khu dân cư Việt - Sing. Ngoài ra, trên địa bàn phường Bình Hòa còn tồn tại 3 CTP gần khu vực các chợ Đông Ba, Quang Minh, Đồng An 2 và Thủy Lợi 4.
Chợ tư nhân đìu hiu
Trong khi CTP hoạt động tràn lan gây mất trật tự đô thị và trật tự an toàn giao thông thì nhiều chợ tư nhân lại đang ở trong cảnh đìu hiu. Nhiều chủ chợ tư nhân cho biết hiện nay đang có cuộc cạnh tranh không công bằng giữa chợ tự nhân và CTP. Chủ chợ tư nhân phải chi nhiều khoản chi phí như đầu tư xây dựng, tiền thuế, điện, nước, bảo vệ, dọn vệ sinh… nhưng lại vắng bóng người bán và người mua. Ngược lại, CTP thì không phải tốn phí nào. Thực trạng trên gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tiểu thương, chủ đầu tư và thất thoát ngân sách Nhà nước. Điển hình như chợ Tuy An, mặc dù nằm trên trục đường 22-12 với lưu lượng người tham gia giao thông cao và tiếp giáp với Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore nhưng hoạt động mua bán ở đây rất đìu hiu. Bên trong chợ chỉ có vài ki-ốt bán tạp hóa và thuốc tây.
Trong khi chợ tự phát hoạt động tấp nập, chợ Tuy An (phường An Phú) có nguy cơ “khai tử”. Để duy trì hoạt động, chủ chợ đã cải tạo một phần diện tích chợ thành phòng trọ cho thuê
Bà Lê Hồng Hòa, đại diện ban quản lý chợ Tuy An (KP.1A, phường An Phú, TX.Thuận An), cho biết: “Cách đây gần chục năm, chúng tôi thấy người dân từ nhiều nơi đến Bình Dương làm việc và sinh sống nên nghĩ rằng nhu cầu mua sắm của người dân chắc chắn sẽ tăng cao. Vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư xây dựng chợ Tuy An có diện tích sử dụng gần 1ha với hơn 100 ki-ốt. Tuy nhiên, chợ Tuy An sau nhiều năm đưa vào sử dụng đến nay vẫn rất ít tiểu thương vào thuê ki-ốt và người mua cũng lác đác. Mặc dù chúng tôi có giảm giá thuê ki-ốt nhưng cũng rất ít người thuê. Trong khi đó khu vực xung quanh chợ Tuy An vẫn có một số điểm mua bán tự phát”. Bà Hoa cũng cho biết thêm, để “cứu vớt” chợ Tuy An, gia đình bà đã cải tạo một phần diện tích chợ thành các phòng trọ để có tiền chi trả các khoản phí nhằm duy trì chợ hoạt động. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Linh, tiểu thương trong chợ Tuy An lắc đầu ngao ngán: “Ngày trước thuê được ki-ốt, tôi nghĩ sẽ buôn bán được nhưng gần đây khách càng thưa dần. Nguyên nhân là xung quanh đây có cả chở hợp pháp lẫn CTP”.
Ông Võ Huỳnh Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết nhờ địa phương ra quân quyết liệt chấn chỉnh hoạt động buôn bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường mà nhiều chợ tư nhân trước đây đang đứng trước nguy cơ “khai tử” đã “hồi sinh” trở lại như chợ Mỹ Dung, An Phú B, Đức Huy… Bên cạnh những chợ đang hoạt động hiệu quả vẫn còn một số chợ hoạt động cầm chừng hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh như Tuy An, Phú An,… Nguyên nhân dẫn đến các chợ trên hoạt động kém hiệu quả là do nằm xa trục đường chính, không có bãi giữ xe dẫn đến sự bất tiện cho người mua. Ngoài ra, nhiều tiểu thương có tâm lý “ngại” vào chợ vì phải tốn thêm nhiều chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Không riêng gì các chợ trên, chợ Đông Phú (KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao) cũng chỉ có khoảng 30 đến 40% số ki-ốt được tiểu thương thuê, số còn lại phải bỏ trống, trong khi cách đó không xa CTP hoạt động tấp nập. Tại khu phố này cũng có chợ tạm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Mai Kim Phát đầu tư. Hiện chợ tạm này chỉ có 10 tiểu thương đang buôn bán. Nói về tình trạng trạng này, ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân hoạt động thương mại đi vào nề nếp và có địa điểm buôn bán cố định, UBND phường đã kêu gọi đầu tư và đấu thầu xây dựng 5 chợ tạm. Sau khi hình thành, một số chợ đã hoạt động ổn định, góp phần giải quyết tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Đối với các chợ Đông Phú và Lê Kim Phát, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động. Tuy nhiên, các tiểu thương chỉ thuê các ki-ốt mặt tiền.
Theo ông Nguyễn Thành Úy, Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An, nguyên nhân dẫn đến tình trạng CTP thường tái hoạt động là do hoạt động mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè thu được lợi nhuận “khủng” trong khi không chịu các loại phí…. Từ đó, nhiều tiểu thương đã nghĩ ra nhiều “chiêu” đối phó với lực lượng chức năng bằng nhiều hình thức. Cụ thể, một số cá nhân buôn bán lưu động thường sử dụng xe đẩy, sạp gỗ có gắn bánh xe,… khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra thì nhanh chóng đẩy đi nơi khác hoặc dời vào bên trong nhà dân hay tạm thời ngưng hoạt động. Khi lực lượng chức năng đi khỏi, tiểu thương lại tiếp tục bày bán như ban đầu dẫn đến tình trạng tái lập CTP. Trong khi đó nhiều người dân, nhất là công nhân lao động có tâm lý quen mua sắm dọc theo lề đường cho tiện lợi dẫn đến ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Cùng với đó là thời gian họp CTP thường diễn ra vào giờ hành chính và các ngày cuối tuần, trong khi đó các chốt chặn của lực lượng chức năng hoạt động cầm chừng, thời gian hoạt động ngắn dẫn đến hiệu quả không cao.
NGUYỄN HẬU