Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số
(BDO) Trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhận thức và thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), phát triển thương hiệu trên mọi mặt trận, đặc biệt trên môi trường số là yếu tố cực kỳ quan trọng và mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp và quốc gia.
Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VNTT Bình Dương, Giám đốc Công nghệ thông tin Becamex IDC chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất: Góc nhìn từ người trong cuộc”
Tăng giá trị thương mại
Tại sự kiện “Hội nghị bàn tròn về thực thi quyền SHTT trên môi trường trực tuyến” diễn ra vừa qua ở Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper cho biết hiện nay quyền SHTT là một trong những quyền đang rất được quan tâm, đem lại lợi ích trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với sự phức tạp trên không gian mạng, quyền SHTT dễ bị xâm phạm, không chỉ gây nhiều thiệt hại đến chủ sở hữu mà còn tác động tiêu cực đến người dùng.
Đại sứ Marc E.Knapper khẳng định: “Việc gia tăng thương mại điện tử bổ sung thêm các thách thức mới khiến những đối tượng xâm phạm quyền SHTT vượt qua các khâu kiểm soát, vận chuyển hàng giả, hàng nhái đến tận tay khách hàng, khiến cho khách hàng có những trải nghiệm không tốt về sản phẩm. Bên cạnh đó, các phần mềm không được cấp phép với mức giá rẻ hơn cũng khiến cho người tiêu dùng đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng… Xâm phạm quyền SHTT đang mang lại những nguồn lợi khổng lồ cho các đối tượng phạm tội, tác động lớn đến các hoạt động sản xuất, tạo gánh nặng cho Việt Nam và Mỹ. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hướng tới nền kinh tế thị trường chất lượng cao, Việt Nam cần tăng cường thực thi quyền SHTT và Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam trong vấn đề này”.
Tại Bình Dương, những năm qua tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức kỹ năng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về vai trò quyền SHTT, bảo hộ và thực thi trong môi trường số. Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Cục SHTT Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Quyền SHTT làm tăng giá trị thương mại, mang lại lợi ích to lớn cho chủ sở hữu cũng như toàn xã hội, định hướng sản xuất, kinh doanh, là công cụ độc quyền, giảm thiểu rủi ro xâm phạm quyền”.
Theo ông Giang, chủ sở hữu cần nhận thức quyền SHTT là tài sản quan trọng, do đó cần nhanh chóng xác lập quyền SHTT và cần một khoảng thời gian để xác lập quyền. Để có quyền chủ sở hữu phải mất chi phí, cần phải tiến hành tra cứu sơ bộ, có thể phải có người đại diện, đăng ký bảo hộ ở nội địa và nước ngoài, duy trì và gia hạn đúng lúc, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ.
Trong môi trường số, đối với SHTT và thương mại hàng hóa và dịch vụ được bảo hộ bằng cách sử dụng hệ thống an ninh công nghệ 4.0 và pháp luật, nếu không chúng có thể bị đánh cắp hoặc bị làm giả và toàn bộ doanh nghiệp có thể bị phá hủy. Trong SHTT và công nghệ kỹ thuật số, SHTT góp phần tạo ra các sản phẩm công nghệ số mới. Trong SHTT và giá trị của doanh nghiệp, các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ kỹ thuật số mới thường nắm giữ một giá trị lớn về tài sản trí tuệ, việc định giá những doanh nghiệp này sẽ được quyết định bởi việc liệu họ có bảo hộ SHTT của mình hay không. Nhiều doanh nghiệp công nghệ sở hữu rất nhiều sáng chế và nhãn hiệu giúp gia tăng giá trị của họ.
Tăng cường bảo vệ, thực thi
Hiện nay, những vấn đề nảy sinh về SHTT trong môi trường số như xác lập quyền, thực thi quyền, khai thác quyền. Cụ thể, lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan như quyền của các nhà phát sóng, vấn đề linking (báo chí), cơ sở dữ liệu, lĩnh vực nhãn hiệu/ tên thương mại chỉ dẫn địa lý như thương mại điện tử, tên miền... Bên cạnh đó, việc bảo vệ thực thi quyền SHTT trong môi trường số gặp một số thách thức, khó khăn như quyền SHTT có bản chất lãnh thổ, nhưng internet không có biên giới, không dễ dàng theo dõi hành vi xâm phạm quyền trên internet, các hình thức xâm phạm quyền mới.
Để tăng cường hiệu quả bảo vệ, theo ông Trần Giang Khuê, chủ sở hữu cần rà soát sửa đổi, bổ sung pháp luật, nâng cao năng lực các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và công chúng. Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trung gian, tăng cường các biện pháp tự bảo vệ quyền bằng công nghệ chủ thể quyền. Phía cơ quan Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức kỹ năng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; có chính sách, cơ chế hỗ trợ tạo lập quản lý, khai thác và thực thi quyền SHTT một cách hiệu quả.
Ông Trần Giang Khuê cho biết thêm, các doanh nghiệp cần nhận diện đầy đủ các tài sản trí tuệ và quan tâm đến quyền SHTT càng sớm càng tốt, ngay từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng về các tài sản trí tuệ, phát triển và sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, một sản phẩm khi đưa ra thị trường luôn chứa đựng rất nhiều tài sản trí tuệ khác nhau nên cần có biện pháp để nhận diện quản lý bảo hộ và khai thác hiệu quả.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ