Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đô thị

Thứ hai, ngày 14/12/2020

(BDO) Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, hình thành các ngành mới thích ứng với diện tích và lao động. Trong đó, ngành sinh vật cảnh (SVC) hình thành và phát triển đã nâng cao giá trị sản phẩm từ nông nghiệp đô thị.

 Vườn mai của anh Bùi Đức Dũng (xã An Tây, TX.Bến Cát) hứa hẹn mang lại hiệu quả cao

 Đa dạng mô hình

Bắt nguồn từ sở thích, đến năm 2016, anh Nguyễn Văn Nghĩa ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã thành công với mô hình nuôi cá dĩa. “Cá dĩa là loại cá cảnh khó nuôi nhất trong các loại nước ngọt nhiệt đới, bởi có nhiều điểm khác biệt về nhu cầu sinh thái, đặc điểm sinh học. Tuy nhiên, với việc tìm tòi, học hỏi và áp dụng kỹ thuật nuôi hợp lý nên cá dĩa sinh trưởng tốt, đạt trọng lượng và kích cỡ theo yêu cầu”, anh Nghĩa tâm sự. Hiện anh đang có 160 hồ nuôi với số lượng 5.000 con. Bình quân 4 tháng xuất bán, có giá từ 60.000 - 100.000 đồng/con, với các loại như cá dĩa Abino, bồ câu, Red sinh sản, xanh chỉ đỏ, da beo sinh sản, hoa hồng...

Anh Bùi Đức Dũng ở xã An Tây, TX.Bến Cát gắn bó với nghề trồng mai nay đã 8 năm. Tuy thời gian vào nghề không nhiều nhưng anh cũng đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc ghép giống để cho ra mai nhiều cánh và tạo dáng cho cây trở nên sinh động. Anh Dũng cho biết luôn tìm hiểu nhu cầu của thị trường để tạo dáng cây cho phù hợp. Hiện anh đã phát triển vườn mai lên hơn 1,5 ha với hơn 3.000 gốc, chủ lực là mai vàng đa cánh, còn lại là mai rừng và mai tứ quý.

Với diện tích gần 1 ha, vườn lan Thành Nam ở xã Phú An, TX.Bến Cát trồng tập trung 2 loại lan phổ biến nhất hiện nay là mokara và dendrobium với trên 50 giống khác nhau. Anh Đỗ Quang Hoan, chủ vườn lan Thành Nam, cho biết: “Vườn lan được hình thành từ năm 2013, đây là nơi thu thập, lưu giữ, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và sản xuất, kinh doanh các giống hoa lan nhiệt đới thương phẩm đang được trồng phổ biến nhất ở Việt Nam để làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển cây hoa lan cho vùng đô thị. Vườn lan được đầu tư bài bản hệ thống giá đỡ và tưới phun sương, ít tốn công sức, tăng nguồn thu”.

Hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 câu lạc bộ chuyên ngành SVC, với trên 500 hội viên, sinh hoạt trong các lĩnh vực: Bonsai - tiểu cảnh, cây cảnh nghệ thuật, hoa lan cây cảnh, chim cảnh, cá kiểng… Cùng với đó, còn hình thành 50 cơ sở sản xuất các loại đôn, chậu, hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu sản phẩm các loại. Được biết, hiện ngành sản xuất SVC trên địa bàn tỉnh tăng gấp nhiều lần so với năm 2013. Nhiều hộ nông dân và hội viên đã chuyển sang nuôi trồng và kinh doanh SVC với quy mô lớn, hình thành các vùng trồng hoa, cây cảnh ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên với diện tích trên 100 ha. Các loại cây cảnh được trồng ngày càng phong phú, từ các loại cây xanh thiết kế cho sân vườn đến các loại tiểu cảnh để trang trí. Doanh thu từ SVC hàng năm đạt trên 50 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc tăng giá trị cho ngành nông nghiệp địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ tham gia nuôi, trồng SVC. Trọng tâm là tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề để tạo ra những tác phẩm SVC có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ SVC, làm phong phú các mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC phía nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022”. Mục tiêu của đề án là hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng các loại SVC cung cấp cho thị trường vùng kinh tế đô thị phía nam và từng bước xuất khẩu. Dự án còn nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, tận dụng các nguồn lực sẵn có để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tạo cảnh quan, nét đẹp đô thị, góp phần giải quyết nhu cầu giải trí của người dân. Mục tiêu trọng tâm là nâng diện tích trồng và kinh doanh SVC lên 139 ha. Trong đó, hoa lan 70 ha, hoa mai và các loại cây cảnh - bon sai khác 69 ha, cá cảnh các loại 2,9 triệu con. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 160 - 180 triệu đồng/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên lan, mai, bonsai - cây cảnh là 1,1 - 1,3 tỷ đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người tham gia sản xuất nông nghiệp đô thị đạt 70 - 80 triệu đồng/năm.

Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện nay vùng kinh tế đô thị phía nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển SVC có giá trị cao, rất phù hợp với thực trạng về quỹ đất nông nghiệp đang ngày một thu hẹp. Hiệu quả kinh tế từ SVC khá lớn, bình quân doanh thu đạt 600 triệu đồng/ha/năm - 1,2 tỷ đồng/năm/ha sản xuất hoa lan; khoảng 800 triệu đồng/ha/năm/sản xuất mai; 80 triệu đến 1 tỷ đồng/hộ nuôi cá kiểng.

Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Trong đó hoa, cây cảnh, cá kiểng là những đối tượng sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng thị trường lớn. Vì vậy dự án “Hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022” có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một ngành sản xuất có hiệu quả, ổn định và bền vững trên địa bàn tỉnh.

 THOẠI PHƯƠNG