Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững
(BDO) Thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Quyết định 3265/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống của người dân.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch ở trang trại Chiến Thắng (huyện Phú Giáo)
Hiệu quả kinh tế cao
Thời gian qua, các lĩnh vực được tái cơ cấu có sự chuyển biến rất mạnh mẽ. Đối với lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông hộ, trang trại đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương.
Theo đó, đối với cây bưởi, diện tích trên 115 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 15-20 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha/năm; đối với cây cam có diện tích 260 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 40-60 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới… cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua, đơn vị đã triển khai thực hiện một số mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ trong nhà lưới kín. Mô hình được xây dựng với quy mô diện tích 1.000m2, thiết kế xây dựng nhà lưới kín có khả năng hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của điều kiện thời tiết và một số côn trùng xâm nhập. Mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ trong nhà lưới kín, chỉ bón phân hữu cơ, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên năng suất của mô hình đạt khoảng 15 tấn/ha/vụ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện, toàn tỉnh có trên 580 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ đối với các loại cây trồng, gồm 250 ha cây có múi, hơn 25 ha cây rau và 258 ha cây ăn quả khác. Khu nông nghiệp công nghệ cao (Unifarm) ở An Thái, huyện Phú Giáo là “cánh chim đầu đàn” về nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương. Được hình thành từ năm 2008, Unifarm đã trở thành mô hình kinh tế xanh điển hình, mở ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng để tham gia thị trường xuất khẩu. Trong nhiều năm liền, Unifarm là đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của tỉnh trong ngành nông nghiệp. Unifarm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp bà con nông dân chuyển hướng cây trồng, đồng thời sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân có tâm huyết phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo), cho biết hiện nay, đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn ngày càng tăng đòi hỏi hoạt động sản xuất phải điều chỉnh, chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội.
Kết hợp “4 nhà”
Thời gian qua việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển. Tuy vậy các doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp còn không ít khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp, người sản xuất trong tỉnh chưa đủ lớn nên hợp đồng tiêu thụ không ổn định; thị trường tiêu thụ chưa phân biệt rõ giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và sản phẩm thông thường, nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới, nông nghiệp hữu cơ là một nền nông nghiệp bền vững. Canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại và có chất lượng cao…
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với việc phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật… Cùng với đó, hiện đại hóa công tác chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu và đặc biệt cần chú trọng tới việc thay đổi nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm sạch. Cũng theo ông Nghĩa, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thì trong thời gian tới cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân, thiết lập và duy trì được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kiến thức, chất lượng sản phẩm, cung cấp các dịch vụ giống, phân bón và các dịch vụ khác. Cùng với đó, có các giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sự kết hợp giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh.
THOẠI PHƯƠNG