Nâng cao chỉ số PAPI, từ thực tế đến giải pháp: Bài 1: Những nỗ lực đáng ghi nhận
(BDO) LTS: Kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 cho thấy, Bình Dương đã có sự cải thiện đáng kể, nhiều chỉ tiêu và nội dung thành phần đều tăng so với năm 2017. Bình Dương đạt tổng 43,50/80 điểm (năm 2017 là 33,49 điểm), đứng thứ 39/63 tỉnh thành, tăng 23 bậc so với năm 2017. Vấn đề đặt ra là từ thực tế này, đâu là những giải pháp cần phải tập trung để tiếp tục nâng cao Chỉ số PAPI trong thời gian tới?
Người dân tìm hiểu những thông tin cần biết tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI. Điều này cho thấy sự quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung, nhằm xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch vững mạnh, vì nhân dân phục vụ…
Nhìn thực tế từ Chỉ số PAPI năm 2018, Bình Dương có 3 chỉ số nội dung tăng điểm so với năm 2017 là: Sự tham gia của người dân cấp cơ sở, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính (TTHC) công. Có 3 chỉ số nội dung giảm điểm là công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, cung ứng dịch vụ công.
Ở nội dung chỉ số thành phần tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Bình Dương đạt 5,28/10 điểm. Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở nhằm đo lường tri thức công dân về quyền tham gia và mức độ hiệu quả của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt quyền tham gia của mình. Việc tham gia tích cực của người dân có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật tại địa phương. Để thực hiện tốt nội dung này, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có sự đổi mới về chính sách thực thi pháp luật, cởi mở, minh bạch hơn.
Ở nội dung chỉ số thành phần công khai, minh bạch, Bình Dương đạt 5,23/10 điểm. Để làm tốt các yêu cầu của nội dung này, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công khai, minh bạch, chú ý việc thông tin đa chiều cho người dân, nhất là công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho người dân, bảo đảm cập nhật kịp thời khung giá bồi thường theo thị trường cho người dân và tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân.
Trong khi đó, chỉ số thành phần trách nhiệm giải trình, Bình Dương đạt 4,86/10 điểm. Trách nhiệm giải trình với người dân nhằm đo lường mức độ hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương, đo lường hiệu quả của các cuộc tiếp xúc công dân, cử tri của các cấp chính quyền theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 (từ năm 2018 có thêm nội dung về giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân và tiếp cận dịch vụ tư pháp). Nhìn chung, người dân hiểu biết hơn về hoạt động của Ban thanh tra cấp cơ sở. Người dân cho rằng chính quyền cơ sở cần cởi mở hơn để tiếp nhận các khuyến nghị, khiếu nại, tố cáo và sớm giải đáp thỏa đáng những yêu cầu của công dân.
Nội dung chỉ số thành phần kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Bình Dương đạt 6,82/10 điểm. Nội dung này đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của chính quyền như kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công; quyết tâm phòng, chống tham nhũng. Người dân đánh giá cao chính quyền trong việc kiểm soát tham nhũng, tình trạng lót tay để xin việc vào khu vực công rất hiếm, đây là cơ sở cho niềm tin vào sự thay đổi theo chiều hướng tích cực trong kiểm soát tham nhũng của tỉnh.
Trên bình diện chung của Chỉ số PAPI năm 2018, một trong những nội dung được đánh giá tốt là chỉ số thành phần TTHC công, Bình Dương đạt 7,44/10 điểm, xếp trong nhóm trung bình cao. Nội dung này đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công như chứng thực, xác nhận; cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hành chính công cấp xã/ phường/thị trấn. Năm 2018, điểm số đạt được ở mức khá và các tiêu chí đều tăng điểm so với năm 2017, người dân đánh giá cao sự cố gắng của chính quyền các cấp trong cải cách hành chính, nhất là việc cung ứng các dịch vụ công. Tuy nhiên, đối với dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân vẫn cho rằng còn phải đi lại nhiều lần và phải tốn chi phí không chính thức để làm xong các TTHC liên quan.
Nội dung chỉ số thành phần cung ứng dịch vụ công, Bình Dương đạt 6,58/10 điểm. Nội dung này đo lường trải nghiệm của người dân về hiệu quả cung ứng 4 dịch vụ công căn bản cho người dân, gồm: Y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập, cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh trật tự tại địa bàn khu dân cư. Mặc dù có 2 tiêu chí tăng điểm nhẹ, nhưng người dân vẫn đánh giá chưa cao về hiệu quả cung ứng các dịch vụ công như chất lượng trường tiểu học công lập, số học sinh/lớp học cao hơn quy định chung, nhà vệ sinh chưa sạch; tình hình an ninh trật tự khu dân cư cần được tăng cường hơn.
Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nhìn nhận Chỉ số PAPI 2018 của tỉnh có sự cải thiện đáng kể, nhiều chỉ tiêu và nội dung thành phần đều tăng. Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Những nỗ lực của chính quyền các cấp trong công tác CCHC nói chung được người dân đồng thuận và đánh giá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa được người dân đánh giá cao, như: Một số nơi chính quyền cơ sở còn hạn chế trong quản lý điều hành công việc của địa phương; một bộ phận cán bộ, công chức cấp cơ sở còn hạn chế về kỹ năng hành chính, xử lý tình huống; việc công khai, minh bạch trong một số chính sách tại địa phương chưa được quan tâm nhiều, nhất là công khai về quy hoạch sử dụng đất, công khai các dự án, công khai các khoản đóng góp tự nguyện của người dân…
Xuất phát từ thực tế Chỉ số PAPI năm 2018, vừa qua UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe và triển khai các giải pháp về việc duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Đây là việc làm cần thiết để Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phục vụ. (Còn tiếp)
HỒ VĂN