Nâng cao chất lượng tuyển sinh lớp 10 môn toán
Toán là 1 trong 3 môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là môn học đòi hỏi ở học sinh (HS) phải suy nghĩ, suy luận nhiều. Trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các năm học qua, tuy chất lượng tuyển sinh đầu vào ở môn học này có nâng lên, nhưng vẫn chưa làm hài lòng những người làm công tác giáo dục. Để nâng cao chất lượng ở môn này, Sở Giáo dục - Đào tạo vừa tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng tuyển sinh lớp 10 môn toán.
(BDO)
HS dự thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016. Ảnh: H.THÁI
Theo thầy Tùng, trước khi lên lớp HS đọc bài mới sẽ được thầy cô giảng để biết một số khái niệm, định nghĩa, biết được phần nào những kiến thức khó hiểu để chú ý hoặc chủ động đề nghị thầy cô giảng chậm, kỹ hơn. Đọc lại và thực hiện ngay các bài tập đơn giản. Khi học một kiến thức mới, HS cần có ký hiệu bằng mực khác màu hoặc kẽ đóng khung để dễ nhớ những phần quan trọng.
HS cần chuẩn bị những đồ dùng cần thiết trước khi đến lớp; trong quá trình học cần ghi chép đúng lúc. Thời gian ở nhà các em xem lại kiến thức trọng tâm vừa học; làm ngay các bài tập thầy cô đã dặn; hệthống lại các bài tập; làm các bài tập mang tính tổng hợp kiến thức của toàn chương. Các em cần chú ý chủ động trong việc giữ gìn sức khỏe, chủ động làm nhiều dạng toán, ghi chép những điều quan trọng vào sổ tay…
Toán là môn học cần có tính tư duy cao, tính kiên trì, nhẫn nại nên một số em rất sợ môn học này. Nếu không có phương pháp học tốt, các em dễ mất căn bản và sẽ vuột mất cơ hội vào lớp 10 công lập.
Trong các kỳ tuyển sinh vào lớp 10, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP.TDM) có chất lượng đầu vào ở môn toán cao so với các trường khác. Cô Trần Thị Kim Anh đưa ra nhận xét, tình trạng HS học yếu môn toán ở cấp THCS đang là thực tế đáng lo ngại và là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều giáo viên dạy toán.
Có nhiều nguyên nhân làm cho các em học yếu môn toán, nhưng nguyên nhân chính là HS chưa có phương pháp học đúng đắn, có nhiều lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng, không xác định được động cơ học tập, dẫn đến chất lượng học tập còn yếu.
Để khắc phục phần nào tình trạng này, trường đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp thực hiện để cải thiện tình trạng HS yếu kém, trường vừa tổ chức dạy ôn tập, vừa dạy phụ đạo cho HS lớp 9. Với cô Kim Anh, cần tạo sự gần gũi với HS ngay từ đầu năm học.
Trong quá trình giảng dạy cô có thái độ nhẹ nhàng, khéo léo, xử lý tốt các tình huống sư phạm, để những HS yếu không mặc cảm với bạn bè. Cô cũng công tâm với tất cả HS; giúp đỡ HS rèn luyện kỹ năng, thái độ và phương pháp học tập phù hợp. Cô còn xây dựng cho HS cách học tự giác, giúp các em thấy lợi ích của việc đi học phụ đạo.
Các thầy cô trong tổ nghiệp vụ toán THCS của Sở Giáo dục - Đào tạo cũng đã phân tích những lỗi HS thường mắc phải trong bài thi tuyển sinh lớp 10. Những lỗi cơ bản HS thường mắc là ghi đề sai; đọc đề không kỹ, dẫn đến nhầm số, đảo số, thiếu dấu; đặt dấu sai trong biểu thức khi tính; khi viết phân số không có dấu gạch ngang; phần làm sai khi làm lại HS không gạch bỏ; một bài toán làm 2 cách trong bài thi…
Thầy Đặng Minh Khâm, Tổ trưởng tổ nghiệp vụ toán THCS thì lưu ý, trong giảng dạy giáo viên cần chuẩn mực, chính xác khi dùng ký hiệu toán học.
Nghiêm khắc, không bỏ qua các lỗi sai của HS trong quá trình chấm bài trả tại lớp; phải sửa sai rút kinh nghiệm cho HS qua bài làm của các em, tránh bỏ qua hoặc làm sơ sài khi trả bài kiểm tra; thường xuyên đóng góp cho đồng nghiệp khi dự giờthao giảng về khâu trình bày bài giải hoặc sử dụng ký hiệu không đúng.
H.THÁI