Nâng cao chất lượng trong định hướng nghề nghiệp

Thứ sáu, ngày 12/09/2014

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Hiện nay công tác phân luồng trong giáo dục, định hướng cho học sinh lựa chọn nghề chưa phù hợp với nhu cầu xã hội. Một số trường đại học đào tạo không bảo đảm chất lượng. Cử tri kiến nghị cần có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý của ngành giáo dục, chất lượng trong việc dạy và học; chấn chỉnh, xử lý các cơ sở giáo dục đào tạo không bảo đảm chất lượng”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Về công tác phân luồng trong giáo dục: Thời gian qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trung cấp chuyên nghiệp còn thấp. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị và Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 20-12-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Một số khó khăn trong công tác phân luồng: Nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội nói chung đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn yếu; quy mô và điều kiện của các trường trung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng học sinh; chương trình đào tạo trong trường trung cấp chuyên nghiệp và khả năng liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, đại học còn hạn chế.

Một số giải pháp để đẩy mạnh công tác phân luồng cho học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào trung cấp chuyên nghiệp: Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội; đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia và cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền; thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp để có điều kiện tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, dạy nghề; đổi mới cơ chế liên thông để tạo ra con đường và cơ hội học suốt đời cho người dân; đẩy mạnh công tác đào tạo tại các doanh nghiệp; gắn đào tạo với việc làm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và các sở giáo dục và đào tạo phối hợp tổ chức đồng thời việc dạy văn hóa ghép chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông với đào tạo trung cấp chuyên nghiệp cho người học có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (theo nhu cầu của người học) nhằm tạo điều kiện cho người học vừa hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

Công tác quản lý và chất lượng đào tạo đại học: Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn khó tìm được việc làm… Nguyên nhân của hiện trạng này do các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo: Đội ngũ giảng viên của một số trường còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo; chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội trong khu vực và trên thế giới; trang thiết bị cho công tác đào tạo còn lạc hậu do chưa được đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất, hệ thống thư viện nghèo nàn; đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng về quản trị đại học; thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, thiếu gắn kết giữa đào tạo với thực tế; thiếu động lực đổi mới từ cán bộ giảng viên đến đội ngũ cán bộ quản lý các trường đại học, cao đẳng… Đó cũng là thực tế chung của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay. (còn tiếp)

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG