Nâng cao chất lượng tín dụng, thu hút nguồn vốn ưu đãi
(BDO) Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, trong 10 tháng năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Chương trình này đã góp phần tích cực bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ NHCSXH hướng dẫn thủ tục vay, giải ngân vốn cho đối tượng vay vốn
Hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi
Chính sách tín dụng cho các đối tượng vay vốn tín dụng ưu đãi đã được NHCSXH Bình Dương triển khai rộng rãi, đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh, sinh viên và đã mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Với mục tiêu tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng, ngay từ đầu năm 2023, NHCSXH Bình Dương bám sát chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, triển khai các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; đồng thời nâng cao trách nhiệm của đội ngũ tổ tiết kiệm và vay vốn để nguồn vốn đến kịp thời, đúng đối tượng nhằm giúp các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.
Nhờ tập trung phấn đấu thực hiện, 10 tháng qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH Bình Dương đã cho 19.072 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay là 1.110 tỷ 696 triệu đồng, nâng tổng kế hoạch nguồn vốn tín dụng đạt hơn 4.474 tỷ đồng, tăng 262 tỷ 184 triệu đồng so với đầu năm 2023.
Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH Bình Dương, cho biết để tập trung phân bổ kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách cho các huyện, thị, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng được thụ hưởng, ngay từ đầu năm 2023, NHCSXH Bình Dương tham mưu cho UBND các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/ TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đặc biệt là triển khai nguồn vốn cho vay các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Song song đó, NHCSXH Bình Dương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Hội đồng quản trị về kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về nghiệp vụ ủy thác vốn địa phương qua NHCSXH.
Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Nhằm giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng; hỗ trợ tối đa cho hộ nghèo và các đối tượng vay vốn khác, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh tổ chức 89/91 điểm giao dịch tại UBND các xã, phường, thị trấn. Tại các điểm giao dịch đều công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình cho vay, thủ tục giải quyết công việc, nội quy giao dịch, danh sách dư nợ của khách hàng để tổ chức, cá nhân kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Hàng tháng, NHCSXH các địa phương tổ chức ít nhất 1 lần giao dịch tại điểm giao dịch và thực hiện các công việc: Nhận hồ sơ về nghiệp vụ cho vay, nghiệp vụ xử lý nợ và các hồ sơ liên quan khác; tiếp nhận và xử lý thông tin góp ý, phản hồi của khách hàng; giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền cho hộ vay, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn… Kết quả hoạt động tại điểm giao dịch cấp xã: Tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia giao dịch đạt 99,8%, tỷ lệ giải ngân đạt 95%, tỷ lệ thu lãi đạt 99,7%, tỷ lệ thu nợ gốc đạt 93,8%.
Trước đây, kinh tế gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Qua rà soát, chính quyền địa phương và NHCSXH huyện Phú Giáo đã tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo vào năm 2019. Với số tiền này, gia đình bà Nga đã đầu tư mua 2 con bò giống và đến nay đã sinh sản được 4 bò con, gia đình bà Nga bắt đầu có thu nhập từ bò sinh sản để cải thiện cuộc sống. Kinh tế gia đình ông Lương Đức Cầu ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng trước đây cũng khó khăn do thiếu vốn sản xuất. NHCSXH huyện Bàu Bàng đã tạo điều kiện cho ông Cầu vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Với số tiền này, gia đình ông Cầu đã đầu tư mở quán bán thức ăn sáng. Sau 15 tháng, đến nay gia đình ông bắt đầu có thu nhập để cải thiện cuộc sống. Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp của tỉnh được nhận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi và đã sử dụng hiệu quả.
Với phương châm không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
“Trong thời gian còn lại của năm 2023, NHCSXH Bình Dương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ủy thác vốn qua NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”. (Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH Bình Dương) |
TƯỜNG VY - NGUYỄN TRÃI