Nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia môn văn

Thứ tư, ngày 27/03/2019

(BDO)  Trong số các môn thi THPT quốc gia, ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận. Nâng cao chất lượng thi ở môn học này, mới đây Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo nhằm định hướng cho giáo viên bộ môn tổ chức ôn tập bám sát cấu trúc, nội dung trong đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, chú ý rèn luyện cho học sinh (HS) kỹ năng làm từng phần trong đề thi. 

Chia sẻ với các đồng nghiệp, cô Võ Thị Hải Chi, trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một) cho hay, tổ ngữ văn của trường đã họp và thống nhất về kế hoạch ôn thi. Giáo viên tăng cường bám sát đề thi năm 2017-2018, đề minh họa Bộ GD-ĐT công bố vào tháng 12-2018. Bên cạnh đó, tổ còn tiếp tục bổ sung vào tài liệu ôn tập một số đề mới do giáo viên tự biên soạn, đề do Sở GD-ĐT cung cấp, các đề mới được cập nhật trong các tài liệu khác. Trong quá trình ôn tập, giáo viên tăng cường luyện tập đề, từ đề cụ thể đến nâng cao, luôn gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung văn bản với các đề cụ thể. Thầy cô còn kiểm tra việc HS nắm vững chi tiết, dẫn chứng trong văn bản để làm tốt câu nghị luận văn học, tập trung vào các văn bản lớp 12; chú ý rèn luyện cho các em thao tác phân tích, cảm nhận nhiều hơn, đặc biệt là ở kiểu đề phân tích, cảm nhận một đoạn văn, đoạn thơ để bài viết của các em có sự sâu sắc hơn. Qua đó, rèn luyện cho HS những kỹ năng khai thác văn bản. Giáo viên cũng tăng cường chấm điểm và nhận xét đối với HS, qua những lần sửa bài, HS sẽ nhận ra được ưu điểm và hạn chế của mình để khắc phục, sửa chữa. Trong các lần kiểm tra giữa học kỳ, tổ cố gắng ra đề bám sát theo đề thi THPT quốc gia. Trong các tiết dạy buổi hai, tiết tự chọn, thầy cô cho HS tăng cường luyện tập thêm các đề về nghị luận văn học...

HS lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi (TX.Thuận An) tập trung ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

Những năm gần đây, cấu trúc đề thi THPT quốc gia gồm có câu đọc - hiểu, câu nghị luận xã hội, câu nghị luận văn học. Cô Trần Thị Kim Cúc, trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ kinh nghiệm HS phải làm bài đủ ba câu mới có thể đạt điểm trên trung bình. Để các em làm tốt phần đọc - hiểu văn bản, giáo viên hướng dẫn HS xác định đúng thể loại của văn bản đọc - hiểu; nắm rõ đặc điểm của từng kiểu loại văn bản, hiểu nội dung để nắm bắt mối quan hệ ý nghĩa và cấu trúc văn bản; ý tưởng của tác giả thể hiện trong nội dung đoạn trích. Các em phải nắm cấu trúc ra đề theo mức độ câu hỏi: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Đối với phần đọc hiểu HS cần rèn các kỹ năng: Xâu chuỗi; tìm ý chính, tóm tắt, xác định các mối liên hệ; góc nhìn tác giả... HS cần hệ thống hóa kiến thức cơ bản về đọc - hiểu và thực hành thường xuyên.

“Phục vụ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường THPT chỉ đạo giáo viên thực hiện nội dung ôn tập bao gồm nội dung chương trình giáo dục THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, chú ý các nội dung dạy học đã được điều chỉnh. Nghiên cứu, phân tích đề thi minh họa năm 2019 của Bộ GD-ĐT, trường tạo điều kiện để giáo viên và HS có thể tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập. Các đơn vị chủ động biên soạn tài liệu ôn tập hoặc sử dụng các tài liệu do Sở GD-ĐT đã gửi và biên tập lại thành tài liệu phù hợp cho đơn vị mình”.

(Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Giáo dục
trung học - thường xuyên,
Sở GD-ĐT)

Với câu nghị luận xã hội, giáo viên cũng cần hướng dẫn HS ôn tập để làm tốt câu này. Theo cô Nguyễn Linh Phương, giáo viên trường THPT Bến Cát (TX.Bến Cát), HS cần xác định và đáp ứng các yêu cầu của đề về nội dung, hình thức; tìm ý cho đoạn văn; các bước viết đoạn văn hoàn chỉnh; cấu trúc đoạn 200 chữ theo yêu cầu đề thi THPT quốc gia.

Đối với phần nghị luận văn học, tổ nghiệp vụ bộ môn cũng định hướng cho giáo viên ôn tập thi THPT quốc gia bám sát theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Năm nay cấu trúc đề thi không thay đổi nhưng cách thức hỏi có khác so với năm trước. Chú ý phần nghị luận văn học chủ yếu trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, giáo viên vẫn nên dành thời gian để ôn tập chương trình lớp 10, lớp 11 cho HS. Theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia, câu nghị luận văn học chiếm 5 điểm, do đó trong buổi hội thảo, giáo viên đã dành thời gian để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Những thầy cô được dự tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức cũng truyền đạt, chia sẻ đề minh họa do giáo viên các tỉnh, thành phía Nam biên soạn. Thầy cô nhắc nhở nhau chú ý dạng đề mới của phần nghị luận văn học, như: Phân tích đoạn văn, đoạn thơ, nhân vật để làm sáng tỏ quan niệm, phong cách nhà văn; phân tích nhân vật qua một số chi tiết cụ thể; đề tích hợp nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

 Từ ngày 26 đến 28-3, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia năm 2019 ở các môn: Toán, vật lý, hóa học cho giáo viên bộ môn ở tất cả các trường THPT trong tỉnh.

Tại hội thảo, các giáo viên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức giảng dạy, ôn thi THPT quốc gia, nêu lên những hạn chế của học sinh, đưa ra các giải pháp ôn tập nhằm nâng cao chất lượng các môn thi. Từ đó có kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12 phù hợp trong thời gian tới.

Trong năm học này, ngoài số giáo viên cốt cán được tham dự tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức, sở đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giúp giáo viên nâng cao năng lực giảng dạy, kỹ năng ra đề thi trắc nghiệm nhằm đáp ứng đổi mới phương thức thi THPT quốc gia. Ngoài ra, các tổ nghiệp vụ bộ môn của Sở GD-ĐT còn xây dựng bộ đề ôn tập phục vụ thi THPT quốc gia cho học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên.

 

 ÁNH SÁNG