Nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ Đảng, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh
Điều lệ Đảng mới được thông qua tại Đại hội XI vẫn quy định: “Chi bộ đông đảng viên có thể chia thành nhiều tổ Đảng; tổ Đảng bầu tổ trưởng, nếu cần thì bầu tổ phó; tổ Đảng hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi ủy”. Trên thực tế, chi bộ đông đảng viên đã chia thành nhiều tổ Đảng nhưng có nhiều tổ Đảng ít khi sinh hoạt, một số chi ủy xem thường sinh hoạt tổ Đảng. Đó là một vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng.
Phải khẳng định rằng ở các chi bộ có khoảng 30 đảng viên trở lên không thể không chia thành nhiều tổ Đảng để giữ vững và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng ở địa phương. Chi bộ đông đảng viên rất khó trực tiếp đi sâu, đi sát, trực tiếp quản lý đảng viên. Đông đảng viên, khi tổ chức học tập nâng cao nhận thức chính trị như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không thể có đủ thời gian mời đảng viên trình bày thu hoạch nhận thức và kế hoạch hành động của từng cá nhân và tập thể cũng không có đủ thời gian góp ý kiến bổ sung cho mỗi đảng viên để có hướng phấn đấu tốt hơn. Trong việc đấu tranh phê bình và tự phê bình cũng vậy, khó có thời gian cho mỗi đảng viên tự phê, trình bày ưu, khuyết điểm trước tập thể và tập thể cũng không thể góp ý đấu tranh phê bình những sai trái, những thiếu sót cho từng đồng chí trong nội bộ.
Hơn nữa việc chia chi bộ đông đảng viên thành nhiều tổ Đảng là yêu cầu rất cần thiết bởi tổ Đảng là đơn vị nhỏ, chỉ là một phần của chi bộ, không phải là một đơn vị độc lập. “Tổ Đảng hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi ủy”, nhiệm vụ của tổ Đảng là nhiệm vụ của chi bộ được phân công cho các đảng viên đang sinh hoạt trong một địa bàn gần gũi nhau, cùng chung xóm ấp, tổ dân phố. Tổ Đảng thay thế cho chi bộ đông đảng viên. Theo tôi, tổ Đảng không nên nhiều quá 15 đảng viên. Nếu quá 15 đảng viên, chi ủy nên chia lại tổ Đảng. Với đơn vị nhỏ, ngoài việc tạo thuận lợi trong đấu tranh phê bình và tự phê bình, trong học tập thảo luận, thu hoạch và kế hoạch phấn đấu đạt kết quả cao còn có tác dụng gần gũi, nhắc nhở nhau thực hiện tốt nhiệm vụ được chi ủy phân công, nhắc nhở nhau làm tốt vai trò tiên phong gương mẫu trong các mặt công tác, chiến đấu, học tập và rèn luyện lối sống lành mạnh, kiên định lý tưởng cách mạng, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm, phân công nhau làm công tác dân vận, phụ trách giáo dục, giúp đỡ các đối tượng cụ thể, khắc phục các mặt tiêu cực, tệ nạn xã hội trong đời sống dân cư, giúp đỡ các gia đình không có đảng viên, chăm sóc bồi dưỡng các đối tượng phát triển Đảng...
Mặt khác, những đảng viên trong tổ Đảng dù trước đây chưa quen biết nhưng nay được sinh hoạt trong tập thể nhỏ, cùng địa bàn, cùng chí hướng lý tưởng Đảng nên trong sinh hoạt đời thường đã trở thành những người bạn thân thiết. Hồi chiến tranh, họ có thể lấy thân mình che chở bom đạn để cứu sống đồng đội. Nay trong cuộc sống đời thường với tinh thần đảng viên họ vẫn sẵn sàng giúp nhau trong hoạn nạn, khó khăn, giữ gìn phẩm chất đạo đức, sống gần gũi nhau, bằng tình cảm thân thiết dễ dàng phát hiện những yếu kém, sai lầm của bạn bè với nhau để từ thực tế từng bước rỉ tai nhau, tâm tình, đấu tranh phê bình, tự phê bình trung thực, giải quyết vấn đề có lý có tình.
Tổ Đảng còn là nơi tập hợp ý kiến, nguyện vọng và những vấn đề bức xúc trong quần chúng ở địa phương để phản ánh lên cấp ủy Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi khắc phục những phức tạp, rối rắm ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trên cơ sở nhận thức và thực tế cuộc sống đó tôi đề nghị Đảng luôn luôn giữ vững sinh hoạt, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ Đảng. Các tổ Đảng sinh hoạt có chất lượng là một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy chi ủy xây dựng chi bộ “trong sạch, vững mạnh”.
Nguyễn Huỳnh (Cán bộ hưu trí phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một)