Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
(BDO) Hiện nay, với lợi thế phát triển du lịch, huyện Dầu Tiếng đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn với mong muốn giữ chân du khách.
Du khách tham quan chùa Thái Sơn - Núi Cậu
Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã xây dựng, khai thác một số sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái tại Núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng; du lịch tham quan vườn cây ăn trái, dã ngoại ven sông Sài Gòn; du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh kết hợp với tham gia các lễ hội truyền thống. Đặc biệt, huyện đã hình thành các tour tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện; kết nối sản phẩm, tuyến du lịch với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ để phục vụ khách du lịch như: Tuyến TP.Hồ Chí Minh - Bình Phước - Bình Dương; tuyến TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh. Huyện cũng tiếp tục quảng bá, liên kết phát triển các tuyến du lịch trong nội, ngoại tỉnh.
Huyện Dầu Tiếng phấn đấu đến năm 2030 phục vụ trên 1,5 triệu lượt khách/năm và đến năm 2050 phục vụ trên 2 triệu lượt khách. Hiện nay, huyện đã xây dựng, giới thiệu các tour du lịch đối với đường bộ. Bên cạnh đó, huyện cũng tiếp tục giới thiệu các tour du lịch kết hợp đường bộ, đường sông và gắn kết với các tour, điểm tham quan. Điển hình như tại không gian phía tây bắc, gồm một phần TX.Bến Cát, khu vực hồ Dầu Tiếng - Núi Cậu, hành lang ven sông Sài Gòn và khu vực phụ cận huyện Dầu Tiếng. Đây là khu vực có tiềm năng về du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần khá lý tưởng ở các hồ Dầu Tiếng, Than Thở, Cần Nôm. Du lịch tâm linh tín ngưỡng và kết hợp sẽ đưa du khách đến tham quan các di sản văn hóa: Di tích lịch sử rừng Kiến An, Sở Chỉ huy tiền phương, chiến dịch Hồ Chí Minh… bằng đường sông và đường bộ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, UBND huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, sản phẩm du dịch của huyện. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển du lịch huyện còn tổ chức biên soạn nội dung, in phát hành 1.600 “Ấn phẩm du lịch Dầu Tiếng” nhằm giới thiệu các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn. Ngoài ấn phẩm này, Ban Chỉ đạo còn xây dựng video giới thiệu, quảng bá du lịch huyện trên website huyện. Huyện cũng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, năng lực điều hành của các cơ quan chuyên môn trong phát triển du lịch; nâng cao ý thức chủ động liên kết, đầu tư, cộng đồng trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp nhằm đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch.
HOÀNG LINH