Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
(BDO) Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị 40), chính sách này đã giúp hàng chục ngàn gia đình vượt qua khó khăn, tạo cơ hội phát triển bền vững. Đây không chỉ là một chính sách hỗ trợ mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước với các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Nhân viên NHCSXH giải ngân cho khách hàng vay vốn tại điểm giao dịch xã, phường
“Đòn bẩy” tín dụng chính sách
Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ các đối tượng vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Dương đã bám sát các văn bản chỉ đạo, nhanh chóng triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi và thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ để kịp thời giải ngân vốn đến đối tượng thụ hưởng. Hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, với sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH Bình Dương đã được triển khai đồng bộ và sâu rộng tới 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả, đã giúp cho những đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, góp phần bảo toàn nguồn vốn tín dụng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội thể hiện rõ nét thông qua nghị quyết. Sau các phiên họp, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thường xuyên chỉ đạo hệ thống NHCSXH trên địa bàn cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp tập trung thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách...
Thoát nghèo nhờ hỗ trợ vay 50 triệu đồng Hộ vợ chồng anh Lê Xuân Thủy (ấp 1B, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) có 4 nhân khẩu, nguồn thu nhập của gia đình khó khăn. Năm 2019, thông qua Hội Nông dân giới thiệu, gia đình anh Thủy được vay số tiền 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo với mục đích chăn nuôi bò của NHCSXH huyện Phú Giáo để đầu tư phát triển kinh tế. Có vốn trong tay, gia đình anh Thủy đầu tư mua 2 con bò để chăn nuôi. Qua thời gian làm ăn, tích lũy, gia đình anh Thủy đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Hiện gia đình anh có trên 10 con bò. |
Kết quả đạt được
Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương, cho biết tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Trung ương, tỉnh luôn quan tâm tạo lập nguồn vốn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhất là sau khi có Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến đúng các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Có thể khẳng định một trong những kết quả nổi bật khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40 là cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cụ thể các địa phương trong tỉnh đã bố trí 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện; quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay 2.262 tỷ đồng; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị trị giá 450 triệu đồng; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng đối với hoạt động giao dịch của hệ thống NHCSXH trên địa bàn tại điểm giao dịch xã.
“Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của hệ thống NHCSXH trên địa bàn là hoàn toàn phù hợp hệ thống chính trị và với điều kiện thực tiễn; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội”, ông Võ Văn Đức cho biết thêm.
Trải qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, các Tổ tiết kiệm vay vốn thành lập tại các khu phố với phương châm “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”. Đây là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Từ đó, đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Thời gian qua, nguồn vốn cho vay không ngừng tăng trưởng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương đã thể hiện sự quan tâm, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW”. (Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương) |
TƯỜNG VY