Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng hàng đầu…
Hướng tới một lực lượng lớn nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, Bình Dương đang nỗ lực trong công tác đào tạo NNL. Sự ra đời và phát triển của một số trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong thời gian qua đã thể hiện sự quyết tâm cao độ đó. Thành phố mới Bình Dương cũng là nơi tập trung nhiều trường ĐH lớn của tỉnh như: ĐH Việt Đức, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Thủ Dầu Một… Trong không khí hân hoan chào mừng Lễ khởi động xây dựng, phát triển Thành phố mới Bình Dương và khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về vấn đề tập trung nâng cao chất lượng NNL tỉnh Bình Dương trong thời gian tới...
Sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương trong một tiết thực hành
- Xin ông cho biết, mục tiêu của chương trình Nâng cao chất lượng NNL tỉnh Bình Dương trong thời gian tới là gì thưa ông?- Mục tiêu của chương trình Nâng cao chất lượng NNL tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 là phấn đấu đến năm 2015, bảo đảm 100% cán bộ, công chức (CBCC) được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm vào ngạch; trên 90% CBCC được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý; số lượng CBCC, viên chức có trình độ từ CĐ trở lên chiếm trên 70%, trong đó có 5% có trình độ sau ĐH; trên 80% CBCC thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm theo vị trí việc làm; đào tạo, tuyển dụng để bảo đảm 40% CC cấp xã có trình độ ĐH chuyên môn trở lên phù hợp với vị trí việc làm; có từ 40 -45% giáo viên các cấp đạt trên chuẩn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 70%...
Bình Dương hiện có nhiều trường ĐH, CĐ mới thành lập nên còn không ít khó khăn về nguồn lực để phát triển. Đây là cơ hội và cũng là thách thức. Cơ hội khi Chính phủ đã quyết định đầu tư 180 triệu đô la Mỹ để xây dựng trường ĐH Việt Đức tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Ngoài ra, còn có trường ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Thủ Dầu Một, đều là những trường ĐH đi đầu trong đổi mới giáo dục của cả nước.
- Bình Dương luôn nhấn mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng NNL của tỉnh. Về vấn đề này, các trường ĐH tại Bình Dương đã đáp ứng được nhu cầu về nhân lực cho tỉnh chưa, thưa ông?
- Hiện tại, các trường ĐH tại Bình Dương đang rất quan tâm, cố gắng giúp tỉnh xây dựng đội ngũ CB hoàn chỉnh. Thời gian qua, các trường ĐH vẫn xúc tiến, triển khai các chương trình phát triển đội ngũ CB nói riêng và phát triển NNL cho Bình Dương nói chung. Những chương trình đào tạo con người phải 10 - 15 năm sau mới phát huy hiệu quả. Vì vậy, trước mắt trong thời gian 5 - 7 năm nữa, các trường ĐH hãy luôn trong tư thế sẵn sàng đáp ứng nguồn lực chất lượng cao cho tỉnh khi có nhu cầu.
Hướng tới một lực lượng lớn NNL chất lượng cao để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, Bình Dương đang nỗ lực trong công tác đào tạo NNL. Các trường như ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Quốc tế Miền Đông… đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp NNL cho các KCN của tỉnh. Phương pháp đào tạo của các trường rất thiết thực, phù hợp với định hướng xã hội hóa đầu tư trường ĐH mà Nhà nước kêu gọi trong cung ứng NNL qua đào tạo, nhất là nhân lực trình độ cao để đẩy nhanh phát triển kinh tế. Thực tế, trong thời gian qua đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thu hút, đào tạo và sử dụng nhân lực có trình độ cao ở trường ĐH và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các tổng công ty hoạt động đa ngành như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex IDC, Tổng Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương…
- Theo ông, để nâng cao chất lượng NNL của tỉnh trong thời gian tới, cần có những yếu tố tiên quyết nào?
- Để Bình Dương phát triển nhanh, bền vững thì vấn đề nâng cao chất lượng NNL là quan trọng hàng đầu. Vì NNL là lực lượng trực tiếp sản xuất, quản lý xã hội. Phát triển NNL là yếu tố quan trọng bậc nhất để tiến hành CNH, HĐH; là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Nâng cao chất lượng NNL, trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài việc trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, cần gắn lý thuyết với thực hành và thực tế xã hội để tăng tính tự chủ, năng động cho học sinh ngay còn học phổ thông. Mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội, định hướng chiến lược phát triển của tỉnh, thực hiện tốt phương châm “Đào tạo những ngành nghề xã hội cần”.
Nâng cao chất lượng NNL, nhất là đội ngũ CB lãnh đạo - quản lý, CB khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà. Điều đó một lần nữa cho thấy, Bình Dương luôn coi trọng vai trò của giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Xin cảm ơn ông!
NGỌC THANH