Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ bảy, ngày 17/10/2015

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 20-CTHĐ/TU ngày 20-7-2011 về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2015”. Qua 5 năm, nhiều mục tiêu chủ yếu đề ra trong chương trình đã thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội tiếp tục được nâng lên.

(BDO)

 Ông Nguyễn Phúc Lâm (thứ 6 từ trái sang), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trao bằng tốt nghiệp cho học viên tham gia lớp đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã phường, thị trấn. Ảnh: HỒ VĂN

Nâng cao chất lượng đội ngũ

Theo ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chương trình này được thực hiện với 4 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp từ cán bộ, công chức hiện có và từ học sinh, sinh viên xuất sắc của tỉnh; thu hút lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề về tỉnh làm việc và nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo nghề.

Nhiệm kỳ 2016-2020, tỉnh đề ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủyếu, chú trọng tạo đột phá, góp phần sớm đạt mục tiêu Bình Dương trở thành thành phốtrực thuộc Trung ương.

Căn cứ vào mục tiêu, nội dung và yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện 8 đề án để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau đó tỉnh phê duyệt bổ sung thêm 2 đề án của ngành Giáo dục - Đào tạo và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Từ khi triển khai thực hiện các đề án, bình quân hàng năm có 33,69% lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng hành chính, tin học và ngoại ngữ. Bên cạnh đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tỉnh còn chú trọng nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ đó, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng lên rõ rệt.

Tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp

Triển khai thực hiện Đề án đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt, tỉnh tổ chức tuyển chọn và đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính 2 khóa với 196 học viên. Học viên được tuyển chọn đều tốt nghiệp đại học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có những người đang công tác tại cấp xã. Đến nay, khóa 1 có 83 học viên đã tốt nghiệp được bố trí về công tác tại các xã, phường, thị trấn.

Thực hiện Đề án tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn từ học sinh, sinh viên xuất sắc trong tỉnh, tỉnh đã tuyển chọn được 30 sinh viên và 34 học sinh lớp 12 các trường THPT trong tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiến hành rà soát các trường hợp là con cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã và đang học tập ở trong và ngoài nước có trình độ từ đại học trở lên, kết quả có trên 200 trường hợp. Một số trường hợp đã được tuyển dụng, bố trí về làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh, trong đó có trường hợp đã được giới thiệu bầu giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện hoặc đảm đương các chức vụ quản lý cấp phòng chuyên môn ở các sở, ngành.

Thu hút nguồn nhân lực, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề

Với việc đào tạo, bồi dưỡng để duy trì sự ổn định nguồn nhân lực tại chỗ, từ nhiều năm qua tỉnh đã ban hành và thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh làm việc với nhiều hình thức khác nhau như tiếp nhận từ ngoài tỉnh, tuyển dụng thông qua xét tuyển, thi tuyển. Kết quả, đã thu hút 398 người có trình độ sau đại học gồm 3 phó giáo sư - tiến sĩ, 45 tiến sĩ và 350 thạc sĩ. Việc thu hút thời gian qua tập trung nhiều nhất thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo như tuyển dụng, tiếp nhận người có trình độ sau đại học về các trường THPT, thu hút người có học hàm, học vị về trường Đại học Thủ Dầu Một để đáp ứng điều kiện mở mã ngành và phục vụ công tác giảng dạy.

Công tác đào tạo nghề cho người lao động tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức và trình độ đào tạo khác nhau. Hàng năm, bình quân có trên 30.000 học viên tốt nghiệp ở các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng tại các cơ sở dạy nghề, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến cuối năm 2014 đạt 68% và đào tạo nghề đạt 48%. Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đào tạo các ngành nghề đáp ứng cho nhu cầu của xã hội…

 H.THÁI