Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu việc làm
(BDO) Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu việc làm trong tiến trình xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh, UBND tỉnh cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao nhận thức về nhu cầu việc làm, đào tạo nghề, từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”.
Các cơ sở GDNN luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu việc làm trong thời đại mới. Trong ảnh: Sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An thực hành nghiên cứu tại phòng Faplap của trường
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Tính đến ngày 30-11, Bình Dương đóng góp hơn 61.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, thu hút 3 tỷ 78 triệu đô la Mỹ vốn FDI (tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021), toàn tỉnh có 59.484 doanh nghiệp (DN), trong đó 10% là DN có vốn đầu nước ngoài (FDI). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.082 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký là 39,7 tỷ đô la Mỹ. Để tiếp tục là điểm đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giữ vững lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao theo đúng định hướng của UBND tỉnh theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ban hành ngày 25-3-2022, chất lượng đào tạo lao động là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều định kỳ tổ chức hội thảo về đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu DN, với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để thảo luận về giải pháp cho bài toán nguồn nhân lực
Tại hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh năm 2022, đại diện các DN đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu việc làm, trong đó tập trung vào vấn đề chất lượng đào tạo nghề, cụ thể như học sinh, sinh viên (HSSV) cần được đào tạo thêm văn hóa DN khi ra trường, DN ngành logistics, dịch vụ đang cần nhiều lao động có tay nghề nhưng các trường chưa đào tạo chuyên sâu mảng này...
Ông Nguyễn Quang Đức, Phó Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết tháng 9-2022, toàn tỉnh tuyển sinh được 50.259 người học nghề, trong đó cao đẳng là 1.428 SV, trung cấp là 4.418 HS, còn lại là sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, đạt tỷ lệ 129% kế hoạch năm. Kết quả đã có 32.989 học viên tốt nghiệp, trong đó, hệ cao đẳng là 1.361 SV, trung cấp là 2.585 HS, còn lại là sơ cấp và dưới 3 tháng. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn việc làm cho 80.790 người; trong đó số người được giới thiệu việc làm là 56.722 lao động, số người lao động được nhận vào việc làm là 34.632 lao động; giao dịch với 3.238 DN với nhu cầu tuyển dụng là 92.080 lao động tập trung ở các ngành, nghề: May mặc, giày da, gỗ, điện tử, nhựa, cơ khí, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, bán hàng...
Để quản lý lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển thị trường lao động bằng việc thực hiện các dự án, như: Liên kết lao động với các tỉnh, tạo điều kiện để các cơ sở GDNN liên kết đào tạo, phát huy cơ chế phối hợp, đặt hàng với DN, đào tạo nghề cho người đang nhận bảo hiểm thất nghiệp; tham mưu chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Tích cực kết nối 3 nhà
Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 10-12-2020 ban hành kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 của tỉnh. Bình Dương xác định mục tiêu phát triển GDNN nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn; phấn đấu đến năm 2030, GDNN tỉnh tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan).
Nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng cần nhiều nguồn nhân lực được đào tạo, các ngành chức năng, trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở GDNN của tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp kết nối nhằm ổn định thị trường lao động. Bản thân các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh cũng đã có sự chủ động gắn kết với DN trong đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp HSSV bắt nhịp ngay với công việc sau khi các em vừa tốt nghiệp ra trường.
Trao đổi với chúng tôi, Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An cho biết, theo khảo sát, đánh giá hàng năm, gần 98.96% SV của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định, đúng nghề. Nhiều SV ra trường được phân công đảm nhận chức vụ quản lý, quản đốc và một số vị trí chủ chốt trong các công ty, DN. Đặc biệt, trường đã thực hiện thành công mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng với các công ty hàng đầu thế giới tại Việt Nam, như: Công ty Bosch (Đức), Công ty Colgate Palmolive (Mỹ), Công ty SanCom (Đan Mạch), nhiều DN thường xuyên phối hợp với nhà trường tuyển dụng lao động.
Ông Nguyễn Quang Đức cho biết thêm đơn vị đã hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp theo Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH, chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DN nhỏ và vừa. Đồng thời, có nhiều hoạt động định hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác đào tạo gắn kết với DN, như: Tổ chức hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN góp phần cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh Bình Dương; chỉ đạo các đơn vị chủ động tổ chức các hội thảo, ký kết việc hợp tác đào tạo giữa các cơ sở GDNN với các DN theo từng lĩnh vực nghề mũi nhọn của tỉnh…
T.VĂN - N.TRÃI