Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thứ ba, ngày 27/12/2016

(BDO) Với nhận thức sâu sắc về yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cho sự phát triển bền vững, quyết định chất lượng tăng trưởng, đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ của địa phương, Bình Dương xác định đào tạo nguồn nhân lực là một trong những mũi đột phá quan trọng trong giai đoạn 2010-2015.

Người lao động đóng gói sản phẩm với dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH Jimmy Food, Khu công nghiệp Bàu Bàng Ảnh: Q.CHIẾN

Thực hiện chủ trương này, Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã đã được triển khai khá tích cực, đồng bộ và đạt được kết quả khá toàn diện. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục được nâng lên qua việc triển khai các đề án đào tạo cán bộ nguồn, nhân lực ngành y tế, giáo dục; thu hút nhân lực trình độ cao vào các ngành có nhu cầu; bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các doanh nghiệp (DN) có nhiều giải pháp để thu hút lao động có tay nghề, cùng với công tác đào tạo nghề của hệ thống các cơ sở dạy nghề đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề của DN. Đồng thời tỉnh cũng đã chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Chương trình đã tạo chuyển biến tích cực, tác động đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và là một nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Với quan điểm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương luôn coi trọng vai trò của giáo dục - đào tạo và tập trung đầu tư cho lĩnh vực này. Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo được tập trung triển khai gắn với thực hiện quy hoạch và chương trình phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và củng cố đội ngũ giáo viên, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 554 trường học, tăng 185 trường so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 62,4%; tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn là 63,8%. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp tăng, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào cao đẳng, đại học (ĐH) năm sau cao hơn năm trước. Các trường như ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Quốc tế Miền Đông… trên địa bàn tỉnh là nơi đào tạo quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp. Thời gian qua, các trường ĐH còn xúc tiến, triển khai những chương trình phát triển đội ngũ cán bộ nói riêng và phát triển nguồn nhân lực cho Bình Dương nói chung.

Công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt được quan tâm, nhất là cán bộ cấp xã, trong giai đoạn này đã tuyển sinh 2 khóa với 200 học viên; việc tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn từ học sinh, sinh viên xuất sắc đã bước đầu được quan tâm và triển khai. Trong nhiệm kỳ, cùng với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ, tỉnh đã thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh làm việc. Kết quả, tỉnh đã thu hút được 398 người có trình độ sau ĐH gồm 3 phó giáo sư - tiến sĩ; 45 tiến sĩ và 350 thạc sĩ. Việc thu hút thời gian qua tập trung nhiều nhất thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo như tuyển dụng, tiếp nhận người có trình độ sau ĐH về các trường THPT, thu hút người có học hàm, học vị về trường ĐH Thủ Dầu Một để đáp ứng điều kiện mở mã ngành và phục vụ công tác giảng dạy. Việc thu hút cán bộ lãnh đạo, quản lý DN, lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề được các DN thực hiện với nhiều giải pháp, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất, kinh doanh. Các chương trình đào tạo nghề ngày càng gắn với yêu cầu sử dụng lao động của DN. Tỉnh cũng đã thực hiện chủ trương việc mở rộng sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với việc nâng cao hàm lượng tri thức và tăng mạnh số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là cấp thiết, là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Bình Dương cần phải giải quyết đồng bộ với sự phát triển toàn diện của tỉnh trong các giai đoạn phát triển của địa phương.

 

 CAO SƠN

 

 

Từ khóa: