Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị
(BDO) Thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị (LLCT) tại Bình Dương luôn được chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), kỹ thuật phục vụ cho công tác giáo dục LLCT.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên LLCT, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thi, lớp bồi dưỡng. Trong ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thi Giảng viên LLCT giỏi năm 2022
Bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
Theo đánh giá, trong những năm qua, chất lượng đội ngũ giảng viên LLCT trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Trình độ chuyên môn, trình độ LLCT, tin học, ngoại ngữ... của giảng viên LLCT không ngừng được nâng cao. Hàng năm, số lượng giảng viên chính trị được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, ngoại ngữ, tin học... chiếm tỷ lệ cao.
Bà Lê Thị Mộng Diễm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết để nâng cao nhận thức LLCT, bản lĩnh, ý chí cách mạng cho học viên, Bình Dương đã chú trọng việc đổi mới công tác đánh giá giảng viên và bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình giảng dạy. Theo đó, công tác đánh giá giảng viên LLCT được tiến hành định kỳ hàng năm; ngoài đánh giá chủ yếu dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, còn có nội dung đánh giá về bản lĩnh, ý thức chính trị - một trong những tiêu chí bắt buộc trong tiêu chuẩn của giảng viên LLCT. Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo cũng có những hình thức đánh giá dựa trên các hoạt động chuyên sâu, như tổ chức các cuộc thi, hội thi giảng viên giảng dạy giỏi để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giảng viên LLCT.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên LLCT, tỉnh đang tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đánh giá giảng viên LLCT. Nội dung đánh giá toàn diện, cả về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Về cách thức đánh giá, ngoài cách thức đánh giá định kỳ chủ yếu theo học kỳ, năm học, còn đa dạng hóa các cách thức như thông qua quá trình hoạt động thực tiễn hàng ngày để nắm bắt ưu điểm, hạn chế của giảng viên; thông qua sự tín nhiệm của tập thể, sự hài lòng của học viên; thông qua những đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình của tổ chức Đảng, lắng nghe ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng để đánh giá uy tín của giảng viên.
Ngoài ra, tỉnh cũng mở rộng các hình thức đánh giá chuyên sâu, như thông qua các cuộc thi, hội thi giảng viên giảng dạy giỏi, tổ chức các đợt phát động giảng viên nghiên cứu khoa học giỏi để tạo động lực cho giảng viên LLCT nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp... Bên cạnh đó là phát huy vai trò chủ động, tích cực của giảng viên trong tự đánh giá bản thân và đánh giá đồng nghiệp, phát huy vai trò của người học trong tham gia đánh giá giảng viên LLCT.
Đầu tư cơ sở vật chất
Nhằm triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/ TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường Chính trị chuẩn, trường Chính trị tỉnh cũng được xây mới theo hướng đồng bộ, hiện đại về CSVC, phương tiện kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xứng tầm là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, đây là công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục LLCT; đội ngũ giảng viên được tăng cường cả về số lượng và năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Qua đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT có những chuyển biến tích cực… |
Về CSVC, toàn tỉnh có 9 trung tâm chính trị cấp huyện, trong đó có 6 trung tâm có trụ sở riêng. 3 trung tâm chính trị cấp huyện có trụ sở mới đều xây dựng đạt chuẩn theo quy định, đầy đủ các CSVC, được đầu tư xây dựng rộng rãi, khang trang, đủ điều kiện để phục vụ cho hoạt động.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Mộng Diễm, trước sự tác động đa chiều của quá trình chuyển đổi số, công tác giảng dạy LLCT đặt ra những yêu cầu mới về năng lực, trình độ, phẩm chất, kỹ năng... cho mỗi giảng viên để thích ứng với những biến đổi mới.
Cụ thể, giảng viên cần có nhiều phương tiện kỹ thuật phù hợp, sử dụng được nhiều phần mềm dạy học hiện đại cùng với mô hình phòng học đa phương tiện, làm cho bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Các bài giảng có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ 3D, minh họa nội dung bài giảng thông qua các video, hình ảnh... trên cơ sở đồng bộ hóa với các trang thiết bị hiện đại như bảng cảm ứng, máy tính, máy chiếu, âm thanh, internet… trong lớp học.
Và, trong bối cảnh chuyển đổi số, các học viện, nhà trường cần xây dựng môi trường thông tin phong phú, đa chiều, mở rộng, công khai, trung thực và dân chủ; qua đó động viên, tạo điều kiện nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin của mỗi giảng viên…
THU THẢO