Nâng cao chất lượng giảng dạy môn văn cho học sinh lớp 9
(BDO) Các môn học ở phổ thông, ngữ văn là một trong hai môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tuyển sinh. Hơn thế, học văn còn là học làm người, để mỗi người sống nhân hậu, biết yêu thương và đối nhân xử thế… Để học sinh (HS) lớp 9 học tốt môn văn, các trường THCS đã nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10.
Tại trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP.TDM) chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 ở môn ngữ văn mỗi năm đều được tăng lên, số HS đạt điểm cao bộ môn cũng tăng đáng kể. Theo các giáo viên (GV) dạy bộ môn văn, để thực hiện một tiết dạy sinh động, hấp dẫn, đạt kết quả cao thật vô cùng khó. Trước hết, GV cần nắm rõ đặc điểm nhận thức cũng như đặc điểm nhân cách của từng HS. Trên cơ sở đó sẽ phân loại HS chính xác. GV cần tạo cho các em niềm đam mê học tập, nâng cao tính tự giác, tích cực chủ động học tập. Trong quá trình giảng dạy, GV cần kết hợp cung cấp kiến thức mới với việc ôn tập một cách hợp lý. GV phải phối hợp nhiều phương pháp, kỹ năng để tạo nên những giờ học sinh động, lôi cuốn, đạt hiệu quả cao. GV chú ý hướng dẫn HS cách học trên lớp, ở nhà; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá; kết hợp giữa học chính khóa và học tự chọn, tăng tiết. Theo kinh nghiệm của trường, trong tháng ôn tập thi tuyển sinh, ngay sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ 2 nhà trường xếp lịch ôn tập cho HS. Sau 2 tuần đầu ôn tập nhà trường sẽ tổ chức thi thử lần 1. Trước khi kết thúc ôn tập khoảng 1 tuần, nhà trường tiếp tục tổ chức thi thử lần 2 và kịp thời báo điểm để GV rút kinh nghiệm sửa sai những thiếu sót cho HS giúp các em làm bài tốt.
HS các trường tạo nguồn THCS dự thi Olympic các môn học
Trong khi đó, GV dạy môn ngữ văn ở trường THCS Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) đã đưa ra phương pháp giảng dạy để hạn chế tỷ lệ HS yếu kém. Ngay từ đầu năm, GV phân loại HS bằng cách chia nhóm và ngồi theo nhóm. Sau 1 tháng sẽ thay đổi nhóm. Điều quan trọng là GV không coi thường, bỏ mặc HS yếu kém mà chia nhóm để động viên các em học. GV còn tìm hiểu nguyên nhân yếu kém của từng em. Để nâng cao chất lượng môn học đòi hỏi sự nhiệt tình của GV. GV tổ chức dạy buổi tối không thu học phí đối với những em yếu kém. Chủ yếu là trả bài, làm những bài tập ngắn. GV nhờ các em học khá giỏi hỗ trợ kèm những em yếu. Ngoài ra, GV còn hướng dẫn các em phương pháp học. Khi ở nhà các em làm những bài tập GV giao. Đọc bài mẫu, sửa lại các bài tập làm văn. Ngay từ đầu năm cứ mỗi bài HS tự ghi câu hỏi ra giấy, xếp lại và cho vào một hộp. Hộp này các em để ở chỗ thuận tiện, đi qua bốc một câu đọc rồi cho vào một hộp rỗng kế bên. Một ngày học được 3 đến 4 câu, lâu ngày chuyển từ hộp có đến hộp không, sau đó làm ngược lại…
Thầy Đặng Thanh Nhàn, GV trường THCS Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An) cho biết, qua những năm tham gia chấm thi tuyển sinh lớp 10, thầy nhận thấy HS còn mắc nhiều lỗi về hình thức lẫn nội dung. Để khắc phục tình trạng trên, GV cần trang bị cho HS nền tảng kiến thức văn học theo từng giai đoạn, từng tác giả, tác phẩm… cũng như kiến thức tiếng Việt một cách vững chắc. Rèn cho HS kỹ năng nhận dạng đề, kỹ năng viết văn tùy theo thời gian, theo yêu cầu, thể loại khác nhau. Chú ý nhắc nhở và sửa lỗi cho HS trong quá trình giảng dạy, kiểm tra để các em tránh được những lỗi nhỏ khi làm bài. Đối với HS, các em không nên học tủ, học vẹt mà phải nắm kiến thức tổng quát phải rèn kỹ năng, phương pháp làm bài, nắm vững cấu trúc đề thi. Không nên viết quá vội, chú ý chính tả, trình bày sạch đẹp, không nên viết theo cảm tính mà phải đọc kỹ đề bài, nắm rõ yêu cầu của đề, phải cân nhắc phân bố thời gian hợp lý theo từng câu hỏi, phải lập dàn ý trước khi viết. Tránh việc bôi xóa, cần làm bài cẩn thận.
Để đạt kết quả cao ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, hiện tại HS bắt đầu chạy nước rút, tập trung cao độ cho việc học. Với những kinh nghiệm giảng dạy các GV chia sẻ cùng nhau, hy vọng chất lượng tuyển sinh lớp 10 ở môn ngữ văn sẽ được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng ở bậc THPT.
H.THÁI (ghi)