Nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh trong trường phổ thông
Tiếng Anh là một trong 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Môn ngoại ngữ này còn theo học sinh (HS), đến bậc đại học - cao đẳng và phục vụ cho công việc sau này. Thời gian qua, việc giảng dạy môn tiếng Anh có những bất ổn, một bộ phận HS tốt nghiệp lớp 12 nhưng trình độ còn hạn chế, kỹ năng nghe - nói còn yếu. Thầy trò cùng tham gia vào bài học, giúp cho HS tiếp thu bài tốt
Những bất ổn
Tiếng Anh có tầm ảnh hưởng đến suốt quá trình học tập của HS nhưng thực tế ngày nay một bộ phận HS lười học môn này, một bộ phận HS học có tính chất đối phó với thi cử. HS “sợ” học nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn do các em lười học, mà giáo viên (GV) cũng cần nhìn lại cách dạy của mình. Em N.T, HS lớp 11 nhận xét: “Từ năm học cấp 2 đến nay em đã học qua nhiều GV, có thầy cô dạy tận tâm, lôi cuốn, nhưng cũng có giáo viên dạy nhàm chán làm cho chúng em không có hứng thú học. Nếu bạn nào không xác định rõ ý thức học tập, học lơ là, chiếu lệ, dần dần sẽ dẫn đến mất căn bản. Từ chỗ mất căn bản, các bạn chán học và lo sợ khi đến giờ học tiếng Anh”. Cô Trịnh Ngọc Dung, GV trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (Tân Uyên) nhìn nhận, muốn HS thích học tiếng Anh, GV cần có tâm, đầu tư tiết dạy tốt theo hướng giao tiếp. Cần tạo sự tương tác tốt giữa thầy và trò, hai bên phải tích cực tham gia vào bài học, sao cho HS nhớ bài ngay tại lớp.
Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, GV giảng dạy cho HS đủ 4 kỹ năng: nghe - nói, đọc - viết, nhưng do chương trình còn khá nặng, GV không có đủ thời gian để thực hiện theo như quy định. Hơn nữa, nhiều năm nay môn tiếng Anh thi theo hình thức trắc nghiệm, do đó GV chỉ chú tâm vào phần văn phạm và viết để các em làm bài thi tốt, phần nghe - nói chỉ dạy lướt qua. Nhiều HS cho biết, trong chương trình học, rất ít khi các em được học phần nghe, chỉ khi nào GV dạy xong chương trình mới cho các em... nghe chơi. Chính vì ở trường phổ thông không dạy đầy đủ 4 kỹ năng: nghe - nói, đọc - viết, muốn giỏi tiếng Anh thực sự, phục vụ cho việc học tập, nhiều HS phải tìm đến học ở các trung tâm. Dạy không đủ 4 kỹ năng, không chỉ trò không phát triển toàn diện, mà nghiệp vụ của người thầy cũng bị mai một. Một GV cho hay, những GV dạy lớp 12 dễ bị “lục nghề” vì không chú trọng những kỹ năng nói, viết- nghe, do thi trắc nghiệm. Nếu GV không tự rèn thì ngay cả trình độ của GV cũng bị tuột dốc.
Một nguyên nhân khác dẫn đến chất lượng dạy và học tiếng Anh chưa cao là do cơ sở vật chất ở một số trường còn hạn chế. Một số trường không có phòng chức năng, phòng lab, phòng để giảng dạy giáo án điện tử.
Điều chỉnh phương pháp dạy
Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh trong trường phổ thông, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Trung tâm Anh ngữ Cleverlearn, Viện Bolt của Đại học Bình Dương, Đại học Quốc tế Miền Đông tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho GV, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp khác.
Đối với tiểu học, sở đã thăm dò trình độ chuyên môn của GV qua dự giờ, thăm lớp; tổ chức khảo sát trình độ tiếng Anh trong GV, tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp tổ chức hoạt động nhóm, thực hiện chương trình luyện phát âm và bồi dưỡng kỹ năng thuyết trình. Ở bậc THCS, các hoạt động được thực hiện là, thành lập tổ đề án tiếng Anh, tổ chức dự giờ thăm lớp để xác định trình độ của GV, xây dựng kế hoạch kiểm tra trình độ tiếng Anh của GV, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ. Đối với bậc THPT, GV ngoài được tham gia các lớp bồi dưỡng như tiểu học và THCS, trong tháng 12 này, sở tổ chức bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh cho GV đang giảng dạy môn học này tại các trường THPT trong tỉnh. GV lớp 12 được bồi dưỡng về biện pháp khắc phục các vấn đề thường gặp trong ôn tập, phương pháp ôn thi tốt nghiệp đạt hiệu quả, phương pháp khai thác tài liệu đạt hiệu quả. Đối với GV lớp 10, 11 được bồi dưỡng về biện pháp khắc phục các vấn đề thường gặp trong giảng dạy kỹ năng nghe - nói, phương pháp dạy kỹ năng nghe - nói theo hướng tích cực, thiết kế hoạt động nhóm trong giờ học và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, phương pháp soạn giảng tiết nghe - nói hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Tâm, chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, từ trước đến nay do cơ sở vật chất các trường còn hạn chế, ngành chưa thực hiện kiểm tra nghe, nhưng sang học kỳ II sẽ có khoảng 10 - 15% phần này trong bài kiểm tra.
A.Sáng