Nâng cao chất lượng công tác dân số trong tình hình mới
(BDO) Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10- 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số (DS) trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 21-NQ/TW), đến nay Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Chăm sóc SKSS cho phụ nữ là hoạt động được nhiều đơn vị tham gia thực hiện
Những kết quả ban đầu
Để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 78-CTr ngày 11-5-2018 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 4470/KH-UBND ngày 20-9-2018 về triển khai thực hiện Chương trình số 78-CTr/TU ngày 11-5-2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị Quyết số 21-NQ/TW. Quan điểm và mục tiêu của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách DS từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang DS và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy cô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS; phân bổ DS hợp lý; nâng cao chất lượng DS, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay công tác DS của tỉnh nhà đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thực hiện đạt mục tiêu duy trì tốc độ giảm sinh trên địa bàn toàn tỉnh nhằm duy trì mức sinh thay thế vững chắc. Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân hàng năm thực hiện mức giảm sinh 0,1‰ so với năm trước. Tỷ suất sinh thô giảm từ 11,4‰ năm 2016 xuống còn 11‰ năm 2019. Mức sinh thay thế được duy trì vững chắc, năm 2016 tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) đạt 1,74 con/phụ nữ, năm 2019 đạt 1,54 con/phụ nữ thấp hơn so với mục tiêu chiến lược đề ra là duy trì tổng tỷ suất sinh ở mức 1,8 con đến năm 2020. So với cảnước, Bình Dương thuộc nhóm 21 tỉnh cómức sinh thấp. Ngoài ra, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cũng giảm từ 2,93% năm 2016 xuống còn 2,24% năm 2019 (trung bình giảm 0,14%/ năm). Kết quả thực hiện đạt mục tiêu chiến lược đề ra là duy trì tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh không quá 4%. Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) của tỉnh trong những năm gần đây đã duy trì ở mức 103-107 bé trai/100 bé gái...
Tiếp tục các giải pháp
Theo bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Chi cục phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, bên cạnh việc triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số, hệ thống cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến xã đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ thông qua các hội nghị, các câu lạc bộ ở khu, ấp. Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân các xã đã xây dựng mô hình CLB chi, tổ hội không có người vi phạm chính sách DS lồng ghép với các hoạt động thường xuyên của hội. Ủy ban MTTQ các xã vận động các khu dân cư, các hộ dân thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ, coi đây là một trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng khu, ấp văn hóa, gia đình văn hóa. Đội ngũ CTV DS thường xuyên nắm bắt tình hình biến động về nhân khẩu ở thôn, xóm; rà soát đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa thực hiện các biện pháp tránh thai để có kế hoạch tuyên truyền, vận động.
Nhờ triển khai có hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng DS; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác DS nên chất lượng DS của tỉnh những năm qua đã từng bước được nâng cao. Nhiều chỉ tiêu về DS và thực hiện các dịch vụ KHHGĐ đã đạt và vượt so với kế hoạch được giao.
Bác sĩ Vân, cho rằng để thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ Nghị quyết 21/NQ-TW, cùng với sự nỗ lực của ngành DS, cần có sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó vai trò của các cấp ủy, các tổ chức đoàn thể và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Cụ thể đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số, tạo nên sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng DS trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. “Công tác DS, đặc biệt là nâng cao chất lượng DS phải được coi là một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố DS trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng cấp, từng ngành, từng địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của mỗi cấp, ngành…”, bác sĩ Vân nói.
CẨM LÝ