Nâng cao cảnh giác với bệnh tay chân miệng

Thứ bảy, ngày 08/07/2023

(BDO) Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Số ca mắc trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ca bệnh nặng do sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng.

Ghi nhận 51 ca bệnh nặng

Chúng tôi có mặt tại khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi những ngày này bệnh nhi nhập viện không ngừng tăng, chủ yếu là bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết và các dịch bệnh theo mùa. Đặc biệt, tại phòng cấp cứu nhi, có rất đông bệnh nhi bị TCM cần hồi sức cấp cứu. Sụt sùi lau nước mắt, chị Hà Thị Tuyết ở TP.Thủ Dầu Một có con 13 tháng tuổi đang điều trị TCM cấp độ 3 cho biết: “Hai vợ chồng tôi làm công nhân nên gửi con cho nhà trẻ tư. 2 ngày trước khi nhập viện, bé bị sốt, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém, tôi chủ quan chỉ nghĩ con sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Đến khi con giật mình, nôn trớ nhiều, tôi vội vàng đưa đến bệnh viện thì được chẩn đoán mắc TCM, có biến chứng viêm não. Tôi rất hoang mang, ân hận”.


Nhân viên y tế khám, điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Trong khi đó, bé N.B.V. (6 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt Paracetamol, mệt, ngủ nhiều, giật mình trước lúc ngủ. Tại khoa nhi, bác sĩ ghi nhận lúc thăm khám, bé bị hội chứng não - màng não, mạch 125 lần/phút, huyết áp HA86/55mmHg, lòng bàn tay, chân và mông có chấm mụn nước, ăn kém do loét họng, nôn trớ, quấy khóc. Người nhà cho biết, thấy bé giật mình trước giấc ngủ, đi lại run bèn cho bé nhập viện gấp.

Bác sĩ Lê Thị Trang, khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Bệnh TCM có 2 nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie vi rút A16 (CA16) và Entero vi rút 71 (EV71). Các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, gia đình có thể chăm sóc, điều trị tại nhà nhưng vi rút EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với các biến chứng nguy hiểm, như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và nghiêm trọng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời”.

Theo thống kê của hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh, hiện mỗi tuần tỉnh ghi nhận khoảng 170 ca bệnh tay chân miệng. Tình hình dịch bệnh tăng cao từ tuần 21 (từ ngày 22-5-2023) đến nay. Tích lũy từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.414 ca bệnh và 2 ca tử vong. Trong tổng số 1.414 ca bệnh, có 51 ca nặng đang điều trị, tăng 50 ca so với cùng kỳ năm 2022. Các địa phương ghi nhận nhiều ca nặng: TP.Thủ Dầu Một 14 ca, TX.Bến Cát 8 ca, TP.Dĩ An 8 ca, TP.Thuận An 8 ca, TP.Tân Uyên 8 ca, huyện Bàu Bàng 3 ca, huyện Dầu tiếng 1 ca và huyện Phú giáo 1 ca.

Dự báo về tình hình bệnh TCM trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Hiện số ca mắc bệnh TCM trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, số ca bệnh nặng cũng đang có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân là trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh”.

Giám sát ca bệnh, xử lý ổ dịch

Trước tình hình ca bệnh TCM nặng có xu hướng tăng, ngay từ đầu năm, ngành y tế tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn cho các đơn vị, tăng cường giám sát và phòng, chống TCM. Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp các địa phương, trường học theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; củng cố các đội chống dịch cơ động và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Trung tâm lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, lấy 3 mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng. Kết quả, 1 mẫu dương tính với EV71.

Để chặn đà gia tăng bệnh TCM, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm: “Hiện ngành y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, kịp thời khống chế ổ dịch, không để lan rộng, kéo dài. Ngành y tế cũng đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh TCM. Hưởng ứng chiến dịch, các địa phương chú trọng dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các khu vực nhà trọ, khu chung cư có mật độ dân cư cao, dễ phát sinh dịch bệnh.

“Ngành cũng chủ động phối hợp ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông tại các trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh TCM. Các cơ sở giáo dục đào tạo phải bảo đảm có đủ các phương tiện để trẻ rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách. Trong trường hợp phát hiện ca bệnh TCM, các cơ sở giáo dục phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín chia sẻ.

Hiện ngành y tế đang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh TCM với ca nặng, có phân độ lâm sàng từ 2B trở lên. Ngành cũng tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị, đặc biệt là ca bệnh TCM nặng nhằm hạn chế thấp nhất ca bệnh tử vong.

HOÀNG LINH