Nâng cao bản lĩnh của báo cáo viên, tuyên truyền viên

Thứ năm, ngày 31/08/2023

(BDO) Đó là ý kiến của bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách Pháp luật Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tại hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên quý III- 2023 do Hội LHPN tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây.

 Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng bà Đàm Thị Vân Thoa (thứ 6 từ trái sang) tại hội nghị

 Nội dung hội nghị là truyền đạt đến đại biểu tham dự tình hình thông tin dư luận xã hội, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội, cách thức thực hiện đối thoại chính sách liên quan đến tổ chức hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ (PN) và trẻ em…

Trong phần trình bày của mình, bà Đàm Thị Vân Thoa nói về việc đối thoại chính sách liên quan đến PN, trẻ em; đồng thời góp ý, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của các cấp hội thời gian qua. Theo bà Thoa, thời gian qua việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức… Các nội dung giám sát của hội cần thống nhất trong hệ thống hội theo định hướng của Đoàn Chủ tịch (Trung ương Hội LHPN Việt Nam).

Bên cạnh đó, từng cấp hội cần linh hoạt lựa chọn nội dung chủ trì giám sát theo tình hình thực tế tại địa phương. Hội LHPN các cấp chủ trì phản biện xã hội dự thảo văn bản của cơ quan Nhà nước, cấp ủy cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên, PN, quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam. Các cấp hội cần tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề trong phạm vi toàn quốc; đồng thời tổ chức các hoạt động phối hợp với tổ chức thành viên, các cơ quan Nhà nước, phát huy vai trò của chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn tham gia công tác trong giám sát, phản biện xã hội.

Trao đổi với P.V báo Bình Dương bên lề hội nghị, bà Đàm Thị Vân Thoa cho biết nhân dịp đến báo cáo tại hội nghị ở Bình Dương bà sẽ tập trung lấy ý kiến đại biểu về việc tham gia BHXH, BHYT, đưa ra những đề xuất hoàn thiện chính sách trợ cấp thai sản tại Việt Nam. Bên cạnh đó bà còn thu thập ý kiến đại biểu về quy định pháp luật, chính sách hiện hành, các vấn đề từ thực tiễn liên quan đến PN, trẻ em, bình đẳng giới, quyền và trách nhiệm của tổ chức hội…

“Việc đối thoại chính sách, giám sát, phản biện xã hội của các cấp hội là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt, chính yếu. Giám sát để từ đó đề xuất kịp thời, gửi các cấp chính quyền những vấn đề liên quan đến PN, trẻ em, liên quan đến gia đình. Đó cũng là vai trò của cán bộ PN với xã hội. Bên cạnh đó, để giám sát tốt, chị em cần có kỹ năng tốt hơn, phải biết cách thức tiến hành như thế nào để bảo đảm chất lượng đặt ra của buổi giám sát. Cần quan tâm những chính sách liên quan đến PN, trẻ em. Làm thế nào chúng ta có tiếng nói chung, nói lên nguyện vọng của mình đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền về quyền lợi, về những vấn đề liên quan trực tiếp hàng ngày đến chúng ta”, bà Đàm Thị Vân Thoa chia sẻ.

 Bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách Pháp luật Trung ương Hội LHPN Việt Nam: Thực tế cho thấy có người còn e dè, tự ti, không biết cách diễn đạt ý kiến giám sát, góp ý của mình với cấp ủy Đảng, chính quyền liên quan đến quyền lợi của PN. Tuyên truyền viên, báo cáo viên còn ngại ngùng, thiếu tự tin khi nói trước đám đông. Các chị cần bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn. Nếu khắc phục được điều này, tôi tin các chị sẽ làm tốt nhiệm vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên của mình. Từ đó cũng sẽ thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới”.

 QUỲNH NHƯ - THANH TUYỀN