Nạn “đinh tặc” sẽ bị đẩy lùi?

Thứ tư, ngày 30/09/2015

Hiện nay, nhiều địa phương đang tổ chức góp ý cho dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Dự thảo bộ luật sửa đổi này đã bổ sung 38 tội danh mới được quy định thành tội danh riêng, đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm trong tình hình mới. Trong đó, tại Điều 270 của dự thảo quy định: Người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội từ hai lần trở lên, hoặc rải đinh, vật sắc nhọn tại tuyến đường cao tốc, đèo dốc nguy hiểm… thì bị phạt tiền đến 500 triệu đồng, phạt tù đến 5 năm. Nếu tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 12 năm.

(BDO)

 Lâu nay, hành vi rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản người tham gia giao thông. Tuy nhiên, mức xử phạt theo nghị định của Chính phủ đối với hành vi này còn thấp, thậm chí quá nhẹ. Dù mức xử phạt có được nâng lên nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, việc xử lý hành vi rải đinh đưa vào Bộ luật Hình sự được nhân dân đồng tình.

Ở Bình Dương, một thời gian “đinh tặc” hoành hành như là một vấn nạn. Cao điểm là vào dịp tết, lễ hội. Nạn “đinh tặc” đã làm phiền lòng du khách khi đến Bình Dương. Một số “đinh tặc” ở Bình Dương bị bắt, khởi tố nhưng trên nhiều tuyến đường đông người lưu thông, nạn “đinh tặc” vẫn không giảm. Cuộc chiến chống “đinh tặc” được xem là khá gian nan. Nạn “đinh tặc” hoành hành trên hai tuyến đường là quốc lộ 1A đi qua địa bàn TX.Dĩ An, Thuận An và quốc lộ 13 (trong đó có đại lộ Bình Dương, đoạn đi qua TP.Thủ Dầu Một). Khi cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, xử lý thì nạn “đinh tặc” tạm lắng, nhưng chỉ được một thời gian ngắn là bùng phát trở lại.

Để dẹp nạn “đinh tặc”, điều quan trọng là phải làm sao để vấn nạn này không còn đường tồn tại và khi nó tồn tại thì làm gì để phát hiện. Khó khăn lớn nhất hiện nay mà các ngành chức năng gặp phải là lực lượng tuần tra còn quá mỏng nên chưa thể bố trí ở tất cả các điểm nóng. Vì vậy cần giao trách nhiệm cho chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở từng địa phương. Chính quyền địa phương phải tổ chức, huy động các lực lượng như dân phòng, bảo vệ dân phố, đoàn viên thanh niên... tuần tra, theo dõi để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện “đinh tặc”. Ngoài ra, cần phát động phong trào chống “đinh tặc” đến mọi người dân; có chế độ khen thưởng kịp thời với những người có thành tích chống “đinh tặc”. Như vậy, phải thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp mới có thể dẹp được nạn “đinh tặc”.

 NHẬT HUY

Từ khóa: