Nắm vững thị trường, phát triển bền vững
(BDO) Hiện tình trạng ùn tắc nông sản tại các tỉnh biên giới Trung Quốc đang khiến doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản điêu đứng. Tại các địa phương, tình hình này cũng kéo giảm mức giá nông sản của DN, hộ sản xuất, kinh doanh xuống mức không thể thấp hơn. Thông tin từ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), cho biết tình trạng ùn ứ cục bộ trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc do nước này thực hiện chủ trương “zero Covid-19” nên kiểm soát rất gắt gao, nhất là hàng đông lạnh, khiến thời gian thông quan kéo dài.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng việc ảnh hưởng của dịch bệnh chỉ là nguyên nhân bề nổi. Dưới tảng băng chìm này là do những hạn chế, yếu kém của nền sản xuất hàng hóa manh mún, chưa xây dựng được chuỗi cung ứng xuất khẩu, dịch vụ logistics cũng như sản xuất chưa gắn với chế biến… Nguyên nhân chính là do trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị kiểm tra 100%, trong khi các loại trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan và các nước Asean khác chỉ bị kiểm tra khoảng 30%. Tỷ lệ các lô hàng trái cây Việt Nam không đạt kiểm dịch của Trung Quốc khá cao. Đặc biệt là chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây cũng làm tăng tỷ lệ kiểm tra, gây chậm trễ thông quan.
Từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe với các mặt hàng nông sản nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Nội dung rất quan trọng là Trung Quốc sẽ không khuyến khích nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Trước thực tế này, sự cần thiết phải chuyển đổi sang đường chính ngạch, nắm bắt yêu cầu của thị trường cần được cả thương lái, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất quan tâm và chủ động chuyển hướng phù hợp.
KHẢI ANH