Nam Sudan bên bờ vực nội chiến và khủng hoảng nhân đạo
Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan đã khiến hàng chục nghìn người dân đang phải lánh nạn tại các căn cứ của Liên Hợp Quốc.
Cộng đồng thế giới lo ngại, quốc gia non trẻ này đang đứng trước bờ vực của một cuộc nội chiến sẽ phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Ông Toby More, một quan chức của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan ngày 23-12 cho biết, một bầu không khí “lo sợ và tuyệt vọng” đang bao trùm Nam Sudan trong bối cảnh bạo lực leo thang với một loạt những diễn biến mới căng thẳng.
Người dân Nam Sudan đi lánh nạn
Nhà điều phối nhân đạo Toby More đã đề cập tới nhiều vụ hành quyết đẫm máu tại thị trấn Bor, thuộc Jonglei hiện đã rơi vào tay phiến quân.
Vị quan chức này cũng cho biết, ngày càng có nhiều người chạy đến xin tị nạn tại các căn cứ của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Phái bộ Liên Hợp Quốc (UNMISS) tại Nam Sudan cũng vừa thông báo sơ tán những nhân viên không cần thiết của phái bộ này cũng như những dân thường bị thương ra khỏi thị trấn Bor khi liên tiếp diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng chính phủ và các phiến quân.
Hiện có khoảng 15.000 dân thường đang trú ẩn tại các căn cứ của Liên Hợp Quốc ở thị trấn Bor.
Điều phối viên nhân đạo Toby Lanzer cho biết: “Tôi vừa trở về từ thị trấn Bor. Tình hình hiện tại ở đây hết sức căng thẳng. Chúng tôi đã dành phần lớn thời gian để sơ tán những người bị thương”.
Cũng theo nguồn tin từ UNMISS, hiện có khoảng 5.000 dân thường Nam Sudan đang lánh nạn tại căn cứ của phái bộ này tại Bentiu, thủ phủ bang giàu dầu lửa Unity.
Quyền phát ngôn viên của Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan Joseph Contreras khẳng định, phái bộ này đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ dân thường NamSudan.
“Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan đang tiếp tục cung cấp nơi trú ẩn và điều trị thuốc men cho khoảng 5.000 dân thường tập trung tại căn cứ của phái bộ tại Bentiu. Mặc dù nguồn lực của chúng tôi cũng hạn chế, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh bên những người dân của bang Unity. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành sứ mệnh bảo vệ dân thường”, ông Contreras cho biết.
Trước đó, quân đội Nam Sudan cũng đã xác nhận Bentiu cũng đã rơi vào tay binh sĩ ủng hộ cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Các trụ sở của Liên Hợp Quốc và của các tổ chức nhân đạo phi chính phủ tại Jonglei và Unity đã bị cướp phá sau khi rơi vào tay phe nổi loạn.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22-12 tuyên bố, Mỹ sẽ có hành động nếu thấy cần thiết, sau việc máy bay quân sự của nước này bị tấn công tại Nam Sudan.
Vụ tấn công diễn ra hôm 21-12 vừa qua khi lực lượng Mỹ đang cứu hộ công dân Mỹ từ thị trấn Bor.
Trong một bức điện gửi Hạ viện Mỹ, Tổng thống Mỹ cam kết sẽ theo dõi tình hình tại Nam Sudan và sẽ có thêm hành động để hỗ trợ sự an toàn cho công dân Mỹ, nhân viên và tài sản, bao gồm cả Đại sứ quán Mỹ tại Nam Sudan.
Tổng thống Obama kêu gọi Nam Sudan chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang và cảnh báo quốc gia này đang đứng trước bờ vực một cuộc nội chiến.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, bất kỳ một cuộc đảo chính quân sự nào diễn ra sẽ đồng nghĩa với việc Washington cùng đồng minh chấm dứt các chương trình hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho đất nước non trẻ nhất thế giới này.
Bạo lực, bất ổn tại Nam Sudan leo thang trong những ngày qua, cho dù Tổng thống nước này, ông Salva Kiir đã kêu gọi đàm phán với cựu Phó tổng thống Machar- người trước đó đã bị cáo buộc là có âm mưu đảo chính.
Theo VOV