Năm Mão với những sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam
Năm Quý Mão 43, quân Mã Viện tiến qua Long Biên, Tây Vu đến Lãng Bạc ở phía đông Cổ Loa. Quân địch có quân số đông, có thủy bộ phối hợp, lại thạo đánh tập trung theo kiểu trận địa nên quân của Hai Bà Trưng bị thiệt hại nặng.
Hai Bà Trưng phải lui binh khỏi Lãng Bạc vượt sông Hồng về căn cứ Cấm Khê để thủ hiểm, dựa vào rừng núi để đánh lâu dài. Mã Viện đem quân vượt sông Hồng đuổi theo.
Quân Hán bao vây Cấm Khê. Tại đây đã diễn ra nhiều trận chiến đấu rất ác liệt giữa quân đội của Hai Bà Trưng với quân đội của nhà Hán. Hai Bà Trưng đã chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Năm Đinh Mão 187, nhà Hán suy yếu, Nho giáo bắt đầu du nhập vào nước ta. Trong thế kỷ II, nhân dân các quận ở Giao Chỉ luôn nổi dậy khởi nghĩa làm cho triều đình nhiều phen lo đánh dẹp. Cuối thế kỷ II, nhà Hán suy yếu, chúng buộc phải tạm dùng người Việt cầm đầu chính quyền ở Giao Chỉ. Nhiều quan lại và dân chúng người Hán sang nước ta. Cùng với các danh sĩ và dân di cư đó, Nho giáo bắt đầu du nhập vào Giao Chỉ.
Năm Đinh Mão 547, Triệu Quang Phục đóng quân ở đầm Dạ Trạch. Thiên Đức năm thứ tư Triệu Quang Phục đem hơn một vạn quân từ Khuất Lão tiến ra, kéo xuống đồng bằng. Ông đóng quân ở đầm Dạ Trạch, lấy đó làm căn cứ để chiến đấu lâu dài.
Ngày ngày, quân sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập vừa cuốc ruộng, phá bờ, trồng lúa, trồng khoai để tự túc lương thực; ban đêm thì đi thuyền độc mộc ra đánh úp trại giặc, cướp được nhiều lương thực để cầm cự lâu dài. Nghĩa quân của Triệu Quang Phục đã đóng quân ở đây 4 năm. Người trong nước gọi đầm này là đầm Dạ Trạch, gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch vương (Vua Đầm đêm).
Năm Đinh Mão 607, chính quyền đô hộ nhà Tùy chuyển trụ sở của quận Giao Chỉ từ Long Biên (Bắc Ninh) về huyện Tống Bình. Từ đây, vùng đất Trung tâm Hà Nội ngày nay chính thức được chính quyền đô hộ phương Bắc chọn làm thủ phủ. Sự kiện này mở đầu quá trình đô thị hóa và sự ra đời của đô thị Tống Bình - Đại La.
Năm Kỷ Mão 679, đặt An Nam đô hộ phủ. An Nam đô hộ phủ bao gồm 12 châu, 59 huyện. Trụ sở của An Nam đô hộ phủ đóng ở Tống Bình. Từ đây cho đến đầu thế kỷ X, Tống Bình (Hà Nội) trở thành đại bản doanh của chính quyền đô hộ trên một phạm vi rộng lớn.
Năm Đinh Mão 907, Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo (con Khúc Thừa Dụ) lên thay giữ chức Tiết độ sứ. Là nhà cải cách và tổ chức quản lý giỏi, Khúc Hạo đã chia đặt lại các lộ, phủ, châu, giáp và xã ở các xứ.
Năm Tân Mão 931, khởi nghĩa của nghĩa quân Dương Đình Nghệ thắng lợi, lật đổ chính quyền đô hộ Nam Hán, tiếp tục sự nghiệp họ Khúc, làm chủ đất nước. Dương Đình Nghệ xưng làm Tiết độ sứ.
Năm Đinh Mão 967, nghĩa quân của Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đấy, loạn 12 sứ quân cũng được Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua tự xưng là hoàng đế (thường gọi là Đinh Tiên Hoàng), lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), xây dựng triều chính, mở đầu triều Đinh.
Năm Ất Mão 1075, Vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Tam trường để chọn người tài làm quan. Đây là khoa thi đầu tiên ở nước ta, chọn được hơn mười người. Người đỗ thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Đây chính là vị tiến sĩ đầu tiên ở nước ta.
Năm Quý Mão 1483, Lê Thánh Tông cho biên soạn và ban hành Bộ Luật Hồng Đức, gồm 722 điều, được gọi là “Quốc triều hình luật”.
Nǎm Tân Mão 1771, anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa với khẩu hiệu chiến lược: "Lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan, phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương". Quân Tây Sơn thường lấy của những nhà giàu rồi phân phát cho dân nghèo, do đó nhân dân các nơi theo về nghĩa quân rất đông.
Năm Tân Mão 1831, vua Minh Mạng bắt đầu thi hành chính sách Trung ương tập quyền, cải tổ nền hành chánh do vua Gia Long đặt ra trước đây, bỏ chức tổng trấn, đổi trấn làm tỉnh, đặt chức tổng đốc, tuần vũ, bố chính sứ, án sát sứ và lãnh binh để cai trị các tỉnh, đồng thời đặt tất cả các tỉnh trực thuộc chính quyền Trung ương.
Năm Đinh Mão 1927, Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản. Tác phẩm đã đề cập đến một loạt những vấn đề cơ bản về lý luận của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của học thuyết Mác-Lênin. Cùng với Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh là văn kiện có tính chất cương lĩnh của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam những năm 1920, vạch ra những hình thức và phương pháp tổ chức lực lượng cách mạng góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Năm Kỷ Mão 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương ra “Tuyên ngôn về tình hình chung và đường lối cách mạng”. Bản Tuyên ngôn kêu gọi toàn dân hãy thống nhất hành động, tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Cũng trong năm này, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Hội nghị đã giải quyết vấn đề chuyển hướng đường lối và phương pháp cách mạng trong tình hình mới.
Năm Tân Mão 1951, diễn ra Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội đã vạch rõ những nhiệm vụ trước mắt của Đảng nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi. Cũng trong năm này, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt bao gồm tất cả các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, các cá nhân yêu nước nhằm kết chặt khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến kiến quốc.
Năm Quý Mão 1963, Chiến thắng Ấp Bắc, đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của Mỹ - Ngụy. Chiến thắng Ấp Bắc đã nêu cao tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, mở ra khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy.
Năm Ất Mão 1975, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội.
Năm Đinh Mão 1987, diễn ra Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông; Hội nghị lần thứ 3 và 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI). Cũng trong năm này, diễn ra Kỳ họp thứ 1 và 2 Quốc hội khóa VIII.
Năm Kỷ Mão 1999, diễn ra Hội nghị lần thứ 6 (lần 2), lần thứ 7 và 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII). Cũng trong năm này, diễn ra Kỳ họp thứ 5 và 6 Quốc hội khóa X.
Năm Tân Mão 2011, diễn ra Đại hội lần thứ XI của Đảng; Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; 80 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; 65 năm Tổng tuyển cử Quốc hội…/.
(Theo VOV)