Năm loài chim có nguy cơ tuyệt chủng nhất thế giới

Thứ bảy, ngày 12/04/2014

Các nhà khoa học tại Hiệp hội Động vật học London (ZSL), Vương quốc Anh và Đại học Yale, Connecticut, Mỹ đã chính thức công bố năm loài chim có nguy cơ tuyệt chủng nhất hiện nay.

 

Loài chim khổng lồ ibis đứng đầu danh sách loài chim quý hiếm cần bảo tồn - Ảnh: BBC News

Loài cú muỗi – New Caledonian được phác họa lại, loài này đã không được nhìn thấy từ năm 1998 - Ảnh: BBC News

Các nhà khoa học đã dựa vào các đặc tính của từng loài, tần xuất xuất hiện trong tự nhiên, hành vi và đặc điểm trong lịch sử tiến hoá để rút ra danh sách “đỏ” các loài chim hiện có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

Qua đó, các nhà động vật học đã thống nhất khoảng 100 loài chim hiện đang bị đe doạ, dễ bị tổn thương, và đối mặt với nguy cơ biến mất khỏi thế giới. Trong đó, nổi bậc nhất là 5 loài chim quý hiếm, cần được chú ý và có những biện pháp bảo vệ kịp thời.

Đừng đầu danh sách là loài chim khổng lồ ibis, có chiều cao khoảng 1m, nặng 4,2kg, thuộc địa phận quốc gia Campuchia. Hiện nay, trên thế giới loài này chỉ còn lại 230 cặp và có xu hướng giảm hơn nữa trong tương lai. Các nhà động vật học cho biết,một mặt môi trường sống bị phá huỷ, trứng của chúng còn là nguồn thức ăn khoái khẩu của các loài động vật có vú, cho nên loài này ngày càng bị giảm và khó bảo tồn trong điều kiện tự nhiên.

Vị trí thứ hai trong bảng danh sách đỏ thuộc về loài cú muỗi – New Caledonian. Loài chim này có cuộc sống bí ẩn, ít được nhìn thấy trong tự nhiên. Chúng không được nhìn thấy từ năm 1998, tuy nhiên, theo thống kê khoa học, hiện nay số lượng của loài này chỉ còn dưới 50 con.

Vị trí thứ ba thuộc về loài kền kền khoang cổ California, một lần sải cánh của chúng lên đến 3m. Theo thống kê 1981, loài kền kên khoang cổ California chỉ còn 21 con trong tự nhiên. Mãi đến năm 2003, số lượng chúng bắt đầu tăng lên, nhưng không đáng kể.

Vị trí thứ tư thuộc về loài vẹt đêm New Zealand, là loài nặng nhất trong số các loài vẹt. Chúng hiện đang chịu sự quản lý của chính phủ New Zealand và nằm trong kế hoạch bảo tồn. Số lượng hiện nay của chúng chỉ vỏn vẹn 125 con.

Và vị trí thứ năm thuộc về loài chim Kagu, loài chim đặc biệt của hòn đảo Grand Terre lớn nhất vùng New Caledonia. Loài chim này có bộ lông trắng mượt, được dân địa phương đặt tên là “ma rừng”.

Giáo sư Walter Jetz thuộc Đại học Yale và Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Một nửa trong số 100 loài chim trong danh sách ít nhận được sự quan tâm, thậm chí không được các quốc gia trên thế giới đưa vào danh sách cấp thiết cần được bảo tồn.”

Theo TTO