Nắm bắt cơ hội, xuất khẩu tăng trưởng bền vững

Thứ ba, ngày 27/10/2020

(BDO) Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp (DN) đã nắm bắt tốt cơ hội và hạn chế các thách thức, đưa hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu.

 Sản xuất tại Công ty Cổ phần Long Việt ( TP.Dĩ An)

 Tăng trưởng mạnh

Theo Sở Công thương, giai đoạn 2016-2020, các cơ quan quản lý nhà nước và các DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch về kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu tăng bình quân 9,31%/năm, thị trường mở rộng, cơ cấu mặt hàng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng ổn định, từng bước xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhập khẩu tăng bình quân 10,86%/năm, chủ yếu là nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

Trong 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 15 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,9%, duy trì thặng dư thương mại gần 4,5 tỷ đô la Mỹ. Đây là minh chứng cụ thể về sự phát triển bền vững của các DN xuất nhập khẩu trong hội nhập kinh tế.

Đánh giá hoạt động xuất khẩu của tỉnh, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết những năm gần đây đã đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng công nghiệp do các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi đối với một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã mang lại môi trường thuận lợi và ổn định cho các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh thời gian qua là các DN ngày càng chủ động tham gia tìm kiếm thị trường, tích cực hội nhập. Nhiều mặt hàng đã vươn tới những thị trường khắt khe, chứng tỏ khả năng cạnh tranh và mức độ hội nhập của tỉnh vào khu vực, thế giới.

Chủ động hội nhập

Cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các DN cũng chuyển mình liên tục để phù hợp với sự chuyển đổi khốc liệt trên thị trường. Trao đổi với phóng viên, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, trong năm 2020, các DN xuất khẩu gỗ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Để ứng phó, ngoài các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành, UBND tỉnh… ngành gỗ Bình Dương đã và đang tích cực tìm hướng đi mới. Đơn cử, BIFA chuyển đổi số hóa, đặc biệt phát triển thương mại điện tử, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến để đẩy mạnh tiêu thụ, tìm kiếm khách hàng. Đồng thời, ký kết với một số DN cung cấp giải pháp công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa hoạt động quản trị và ứng dụng các công nghệ thực tế ảo, showroom 3D...

Khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều thương hiệu lớn của ngành da giày, túi xách nhận thấy đã đến lúc cần phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để hạn chế tối đa các thiệt hại do dịch bệnh và các khủng hoảng khác tương tự mang lại. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), Giám đốc Công ty Đầu tư Thái Bình cho rằng: “Việt Nam đang chiếm lợi thế là điểm đến an toàn và mẫu mực của thế giới. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng cần phải đa dạng hóa, thì đây là cơ hội tốt cho DN Việt Nam”. Bên cạnh đó, các DN giày da, túi xách hiện cũng đang nỗ lực nắm bắt cơ hội lớn thứ hai là từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại. Các DN trong ngành đang chủ động kết nối để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Về phía địa phương, Sở Công thương đã và đang cập nhật thông tin diễn biến thị trường thế giới, nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới. Sở cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và uy tín của hàng xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích các DN sản xuất hàng xuất khẩu tăng cường liên kết, hợp tác, đổi mới công nghệ, tìm kiếm và nhập khẩu dây chuyền công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà quốc tế quy định.

 Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết trong thời gian tới tỉnh tập trung thu hút phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng nguyên liệu trong nước và cung cấp vật liệu, linh kiện cho các ngành sản xuất, lắp ráp thành phẩm. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để tăng nguồn hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

 TIỂU MY