Năm APEC 2017: Mốc son trong tiến trình hội nhập của Việt Nam
(BDO)
Cổng chào với biểu tượng của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được trang trí trên các tuyến đường tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Tuần lễ Cấp cao APEC đã kết thúc với việc các nhà lãnh đạo APEC nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng. Sự kiện này đã khép lại Năm APEC 2017 với đầy ắp thành công, mang dấu ấn đậm nét của chủ nhà Việt Nam.
Nhìn lại một năm qua, có thể thấy Việt Nam đã thành công trong việc dẫn dắt APEC tiếp tục đi đúng hướng, duy trì đà hợp tác và những giá trị cốt lõi của APEC, đồng thời xác lập những định hướng hợp tác mới của APEC trên các lĩnh vực thiết thực với người dân và doanh nghiệp.
Cam kết vượt tầm khu vực
Đánh giá về Năm APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, cho rằng đối với APEC, kết quả quan trọng nhất là Diễn đàn “tiếp tục giữ vững đà hợp tác, liên kết kinh tế, phát huy vai trò là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, duy trì giá trị cốt lõi của APEC là tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương."
Trên thực tế, Năm APEC 2017 đã diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Đáng chú ý, kể từ cuối tháng 12/2016, chủ nghĩa bảo hộ và tâm lý chống toàn cầu hóa đã gia tăng trên thế giới, nhất là ở một số nền kinh tế lớn trong APEC. Không ít người tỏ ra lo ngại sự nổi lên của “làn gió ngược” này có thể đe dọa giá trị cốt lõi nhất của APEC là “thương mại và đầu tư tự do và mở” và tác động tiêu cực tới việc thực hiện các Mục tiêu Bogor.
Những diễn biến bất lợi này đã trực tiếp thách thức vai trò của APEC với tư cách là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực về thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế, đồng thời đặt ra khó khăn nhất định cho công tác tổ chức và điều hành của nền kinh tế chủ nhà.
Bất chấp những khó khăn đó, trong vai trò chủ nhà và chủ trì các hội nghị của APEC, Việt Nam đã thành công trong việc điều hòa những khác biệt về quan điểm của các nền kinh tế thành viên để đi đến đồng thuận chung về nhiều vấn đề quan trọng của APEC và về tiến trình liên kết khu vực. Đáng chú ý, Việt Nam đã đưa APEC tiếp tục đi đúng hướng, duy trì đà hợp tác và giữ vững những giá trị cốt lõi của APEC về tự do hoá thương mại và đầu tư.
Trong Tuyên bố Đà Nẵng do Việt Nam chủ trì soạn thảo, các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết “hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm."
Tuyên bố này có đoạn: “Chúng tôi cam kết đạt được các Mục tiêu Bogor hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi nhất trí đẩy nhanh nỗ lực xử lý các rào cản thương mại và đầu tư không phù hợp với WTO và có các hành động cụ thể để có thể hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020."
“Chúng tôi nhắc lại cam kết không gia tăng bảo hộ đến hết năm 2020, và tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm mọi tập quán thương mại không công bằng, và ghi nhận vai trò của các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp."
Trong bài viết tổng kết Năm APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh cam kết trên của các nhà lãnh đạo APEC “thể hiện thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm giữ vững các giá trị cốt lõi của APEC là thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương”.
"Cam kết này còn có ý nghĩa biểu tượng to lớn, vượt trên tầm khu vực trong bối cảnh lo ngại về việc phân bổ không công bằng các lợi ích của toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng," Chủ tịch nước viết.
Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Nhật Bản đã đồng chủ trì hội nghị của các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nền kinh tế tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (không có Hoa Kỳ). Hội nghị đã gặp không ít khó khăn nhưng vẫn kết thúc thành công với việc TPP được hồi sinh dưới tên gọi mới - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP). Điều quan trọng là các nền kinh tế tham gia CPTPP đã nhất trí giữ nguyên các nội dung của TPP nhưng cho phép các thành viên tạm hoãn một số các nghĩa vụ. Và như vậy, CPTPP vẫn là một hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao nhưng cân bằng hơn do có tính tới những khác biệt về lợi ích và trình độ phát triển của các thành viên.
Xác lập định hướng hợp tác mới
Cùng với việc duy trì giá trị cốt lõi của APEC, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong Năm APEC 2017 thông qua hàng loạt các sáng kiến nhằm góp phần nâng tầm hợp tác và xác lập hướng đi chiến lược của APEC trong trung và dài hạn. Các sáng kiến này đều đã nhận được sự ủng hộ và nhất trí cao trong các nền kinh tế thành viên APEC.
Cụ thể, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 (AELM-25), các nhà lãnh đạo đã thông qua Chương trình Nghị sự APEC về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Sáng kiến này của Việt Nam đã thể hiện cách tiếp cận chiến lược và toàn diện của APEC về tăng trưởng kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Kinh tế Việt Nam & Thế giới, ông David Toua, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm 2018, nói: “Phát triển bao trùm rất quan trọng đối với các nền kinh tế APEC. Vì vậy, rất nhiều thành viên APEC đã ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến này."
Theo ông Toua, một quan chức đến từ Papua New Guinea - chủ nhà của Năm APEC 2018, nền kinh tế này sẽ đưa vấn đề phát triển bao trùm trở thành một ưu tiên hợp tác của APEC trong năm tới.
Một sáng kiến khác của Việt Nam cũng nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao tại AELM-25 là Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Sáng kiến này nhằm giúp người lao động ở các nền kinh tế APEC thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, trong Tuần lễ Cấp cao APEC, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC và ASEAN đã có cuộc đối thoại với chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vì một châu Á-Thái Bình Dương kết nối toàn diện."
Cuộc đối thoại này là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo hai diễn đàn có thể chia sẻ tầm nhìn và định hướng cho sự hợp tác nhằm ứng phó có hiệu quả những thách thức chung về liên kết, kết nối kinh tế và cùng nhau củng cố cấu trúc kinh tế khu vực.
Ngoài các sáng kiến trên, nhiều sáng kiến khác do Việt Nam đề xuất hoặc đồng bảo trợ đã được thông qua trong Năm APEC 2017 như Kế hoạch hành động nhiều năm về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực giai đoạn 2018-2020; Chiến lược APEC về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; Khuôn khổ APEC về thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới...
Các sáng kiến này tập trung vào những lĩnh vực hợp tác mà đa số các nền kinh tế APEC đều quan tâm như tăng cường an ninh lương thực ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tạo thuận lợi cho thương mại điện tử qua biên giới; phát triển du lịch bền vững.
Bình luận về các sáng kiến của Việt Nam, tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, nói: “Di sản quan trọng nhất của Việt Nam trong việc đăng cai Năm APEC 2017 là duy trì sự tồn tại của các sáng kiến quan trọng đó tại thời điểm quá trình toàn cầu hoá đang hết sức phức tạp và có quan ngại về những hướng đi khác nhau và thúc đẩy các sáng kiến này theo hướng tương đối bao trùm giữa các nền kinh tế khác nhau."
Sức mạnh mềm của Việt Nam
Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Việt Nam đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của cả thế giới khi toàn bộ lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đều đã hội tụ tại thành phố Đà Nẵng. Đây là lần thứ hai trong 10 năm qua Tuần lễ Cấp cao APEC có sự tham gia đông đủ của lãnh đạo tất cả các nền kinh tế APEC. Điều này thể hiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới và cam kết mạnh mẽ của các thành viên đối với tiến trình hợp tác APEC.
Không chỉ thu hút sự tham gia của tất cả các nhà lãnh đạo APEC, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam còn thể hiện bản lĩnh “trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các nền kinh tế thành viên, vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ trong thương lượng văn kiện."
“Vị thế đất nước, sức mạnh mềm của Việt Nam đã thực sự giúp chúng ta điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC; đồng thời, thành công APEC 2017 cũng góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh mềm của đất nước," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
Cùng với AELM-25, các sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao APEC đã thu hút một số lượng kỷ lục doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia (hơn 4.000 lượt doanh nghiệp). Điều này thể hiện tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, sáng tạo của APEC, khẳng định APEC là diễn đàn vì người dân và doanh nghiệp, đồng thời mở ra triển vọng mới về sự tăng trưởng đầu tư, thương mại và kinh doanh cho Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, đã có hai chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ, và hai chuyến thăm chính thức của Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada. Đây đều là những chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng, và cũng là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền.
Như vậy, có thể nói Năm APEC 2017 đã diễn ra hết sức thành công. Đây là một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Những kết quả đạt được trong Năm APEC 2017 chắc chắn sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để Việt Nam đảm nhận những trọng trách lớn trong thời gian tới, trong đó có việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020./.
Theo TTXVN