Năm 2023, Bộ Y tế tổ chức trên 40 cuộc thanh tra về các vấn đề nổi cộm

Thứ ba, ngày 29/11/2022

(BDO)

Bệnh nhân khám chữa bệnh lấy thuốc từ bảo hiểm y tế.

Theo kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Y tế, Bộ thực hiện 41 cuộc thanh tra, trong đó giao thanh tra Bộ Y tế 23 cuộc; các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành 18 cuộc.

Theo Bộ Y tế, việc thanh tra nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

Hoạt động thanh tra nhằm kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền tiến hành sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các cuộc thanh tra bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật trong việc tiến hành thanh tra, sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về y tế.

Lãnh đạo Bộ đồng thời lưu ý các đơn vị tiến hành thanh tra không cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Kế hoạch thanh tra sẽ hướng về những nội dung đang được xã hội quan tâm, đang có vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện như khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (6 cuộc); y tế dự phòng và an toàn thực phẩm (4 cuộc); dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế (7 cuộc); hành chính, phòng chống tham nhũng và tiếp dân, xử lý đơn thư (6 cuộc)…

Thanh tra Bộ Y tế sẽ tổ chức 4 cuộc thanh tra trong lĩnh vực y tế dự phòng về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế dự phòng và an toàn thực phẩm; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đối với lĩnh vực khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế (có 6 cuộc), thanh tra có trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh đối với những đối tượng bị bắt buộc chữa bệnh; thanh tra toàn diện công tác bệnh viện.

Đối với lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế (có 7 cuộc): thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng thuốc, quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt và đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc tại các cơ sở phân phối thuốc; kinh doanh dược liệu.

Công tác quản lý nhà nước về việc tiếp nhận, thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc, quản lý chất lượng thuốc, quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Việc thực hiện quy định của pháp luật về các hoạt động công bố, phân loại, đăng ký lưu hành, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế; việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, lưu hành, quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh tại một số địa phương.

Tại kế hoạch này, đối với thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng và tiếp dân, xử lý đơn thư (có 6 cuộc): thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tài chính, ngân sách; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, thư một số đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Đối với các đơn vị được giao thanh tra chuyên ngành, kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Y tế nêu rõ tại Cục Y tế dự phòng sẽ thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vaccine.

Cục Quản lý Dược sẽ thực hiện 2 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc và việc tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GPs).

Cục Quản lý Môi trường y tế thực hiện 4 cuộc thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; thanh tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ thực hiện 4 cuộc: thanh tra quản lý Nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động; thanh tra việc tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và chấp hành pháp luật về khám chữa bệnh.

Tại Cục An toàn thực phẩm có 2 cuộc: thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tại Cục Dân số có 4 cuộc: thanh tra việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án, mô hình dân số-kế hoạch hóa gia đình, bao gồm các lĩnh vực: quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, các hoạt động dịch vụ công về dân số-kế hoạch hóa gia đình.

Cùng với đó là việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên./.

Theo TTXVN

Từ khóa: