Năm 2018 - Năm “An toàn giao thông cho trẻ em”
(BDO) Tiếp tục thực hiện chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ, giai đoạn 2011-2020” của Liên hợp quốc, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và khắc phục ùn tắc giao thông (UTGT)..., Ban ATGT tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch công tác bảo đảm TTATGT năm 2018 trên địa bàn tỉnh, với chủ đề “ATGT cho trẻ em”.
Được biết, việc ban hành và triển khai kế hoạch này nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Phấn đấu giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017. Tập trung khắc phục hiệu quả tình trạng UTGT trên các địa bàn trọng điểm như TP.Thủ Dầu Một, các TX.Dĩ An và Thuận An.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông trong thời gian mất điện tại khu vực ngã tư Chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một)
Theo đó, công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT từ tỉnh đến cơ sở phải được tập trung ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2018; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT tiếp tục được nâng cao kết hợp với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, nhất là các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát.
Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chi phí và chất lượng các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020, cương quyết không để phát sinh các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang) trái phép; đồng thời xây dựng kế hoạch lập lại TTATGT ĐTNĐ; tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp; rà soát và khắc phục kịp thời các “điểm đen” TNGT, các vị trí mất ATGT...
Công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT sẽ được đẩy mạnh, trong đó các vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, ĐTNĐ; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm ATGT của kết cấu hạ tầng giao thông. Các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến TNGT... phải được tập trung xử lý. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT phải được đổi mới và nâng cao hiệu quả, lan tỏa tới mọi đối tượng nhất là thanh, thiếu niên, công nhân, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người lao động; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT” và phát động phong trào “Toàn dân thực hiện VHGT”...
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác bảo đảm TTATGT năm 2018 với chủ đề “ATGT cho trẻ em”, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh đã giao trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng... như Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng, Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị, thành phố...
Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Sở Tư pháp được chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông với các chuyên đề như: Thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, với trọng tâm là đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; thực hiện quy định về nồng độ cồn đối với lái xe, quy định về tốc độ, quy định về thắt dây đai an toàn trên xe ô tô, quy định về tải trọng phương tiện, an toàn khi đi qua đường sắt, an toàn khi đi đò..., việc tuyên truyền phải sâu rộng đến tận cơ sở, xã, phường, thị trấn, các khu dân cư, nhà trọ, khu công nghiệp...
PHI LONG