Năm 2012: Chưa áp dụng thu phí với các phương tiên giao thông cá nhân

Chủ nhật, ngày 01/04/2012

 “Nếu có tiền, Hà Nội sẽ xây đựơc 50 cây cầu vượt góp phần giảm ùn tắc giao thông”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho biết như vậy trong  phiên họp báo Chính phủ thường kì tháng 3-2012. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng phân trần về đề xuất quỹ bảo trì đường bộ được thực hiện theo Luật đường bộ có hiệu lực từ 1-7-2009 và đây không phải là sáng kiến mới của Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra trong  bối cảnh hiện nay.

Bộ trưởng cho rằng, lẽ ra những thông tư phải được ban hành từ thời điểm Luật Đường bộ ra đời, nhưng do làm chậm, nên giờ mới được thực hiện. “Lỗi ở việc cũng cấp thông tin của Bộ Giao thông - Vận tải chưa kịp thời, chưa đầy đủ và thậm chí là chưa rõ ràng nữa, nên việc thông tin đến người dân chậm đã dẫn đến sự hiểu chưa đúng về chính sách đề ra”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

 Về phí hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân và phí hạn chế các phương tiện giao thông vào thành phố giờ cao điểm, Bộ Giao thông - Vận tải cũng vẫn dựa vào phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua để thực hiện. “Đây cũng không phải là sáng kiến của bộ”, một lần nữa, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải nhận mạnh về chủ trương của các loại phí này.

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã nhanh chóng phối hợp cùng các bộ ngành và tiếp thu phản ảnh của người dân đã xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp thu phí giao thông. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế còn khó khăn nên thời điểm thu chưa được đề xuất. Bộ trưởng lấy ví dụ như Luật Đường bộ ra đời từ năm 2009, nhưng phải mất một thời gian rất lâu mới có thể đưa ra nghị định, bên cạnh đó khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cần có thời gian để đánh giá tác động quy định đó. “Nên năm nay chúng tôi không đề xuất mà có đề xuất cũng không có chuyện năm nay thu phí”,  Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Còn đối tương thu phí xe cá nhân như ô tô sẽ có khoảng 600.000 xe phải thu phí. Dự kiến nguồn thu từ các phương tiện này khoảng 12.000 đến 15.000 tỉ đồng.

Với mức thu phí các phương tiện giao thông là xe máy, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, chỉ thu phí ở năm thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và chỉ thu khu vực nội đô chứ không phải thu tất cả các tỉnh. Những người nghèo sẽ được miễn và mức thu đối tượng thu do các UBND các tỉnh đề xuất mức thu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, phí hạn chế các phương tiện cá nhân của người dân còn có mục đích tăng nguồn thu. Bộ trưởng đã lấy ví dụ hiện nay Hà Nội đang xây dựng 5 cầu vượt và nếu như có tiền thì sẽ đầu tư 50 cầu vượt nữa. “Khi ấy, đảm bảo giao thông Hà Nội về cơ bản sẽ được cải thiện và giảm cơ bản về ùn tắc và khi giảm thì người dân sẽ được hưởng lợi, lợi ích đem lại rất lớn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải là ngành này có lường trước việc phương án cụ thể của bộ khi đưa ra Quốc hội sẽ không thông qua. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Có thể đề án này của Bộ Giao thông - Vận tải, ngay cả Chính phủ cũng chưa chắc đã thông qua, nhưng về trách nhiệm vẫn phải làm. Và cũng có thể, khi Chính phủ thông qua mà Quốc hội cũng không thông qua. Nhưng chúng tôi cố gắng thực hiện đề án với mục đích chất lượng phải tốt, bám sát vào các căn cứ của nghị quyết và tạo sự đồng thuận của người dân”.

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, quan điểm của Chính phủ về hai loại phí mà Bộ giao thông trình Chính phủ thì đây là một việc liên quan đến nhiều người dân, nên Chính phủ đã giao cho các bộ ngành liên quan có ý kiến đóng góp cụ  thể. Trong đó, phải phân tích kĩ mục đích, nội dung, cũng như đánh giá những tác động đến người dân, đến nền kinh tế để đưa ra những luận cứ khoa học và sát thực tiễn trình Thủ tướng chính phủ xem xét. Tuy nhiên, hiện nay các giải pháp này mới dừng lại ở đề án của Bộ Giao thông - Vận tải.

Theo VOV