Năm 2011, vận tải hàng không thế giới sẽ gặp khó khăn hơn
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã sửa đổi kết quả tăng trưởng của ngành công nghiệp này trong năm 2010 với lợi nhuận ròng là 15,1 tỉ USD (tăng từ mức dự báo trong tháng 9 là 8,9 tỉ USD); đồng thời dự đoán những khó khăn trong năm 2011.
“Dự báo của chúng tôi về việc tăng lợi nhuận cho cả hai năm 2010 và 2011 được dựa trên hiệu quả kinh doanh vượt mức ở quý III hàng năm. Tuy nhiên, dù dự đoán về lợi nhuận sẽ cao hơn nhưng chúng tôi vẫn nhận định rằng sự phục hồi sẽ bị ngưng lại trong năm tới, khi ngành đã phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái...” - ông Giovanni Bisignani, Tổng Giám đốc IATA cho biết.
"Vận tải hàng không năm 2011 sẽ khó khăn hơn năm 2010"
Sự thay đổi về những dự báo trong ngành có thể được thể hiện bằng những con số xác thực. Điều quan trọng là phải tìm ra mối liên hệ của chúng chúng với tầm vóc của ngành để hiểu đúng ý nghĩa. Sự gia tăng 6,2 tỷ USD trong dự báo của IATA đối với lợi nhuận ròng năm 2010 (so với dự báo tháng Chín) chỉ bằng 1,1% con số dự đoán 565 tỷ USD về doanh thu của ngành.
Ông Bisignani nhận định: “Năm 2011, quá trình phục hồi sẽ ngưng lại, mức lợi nhuận của năm 2011 sẽ là 9,1 tỉ USD - tốt hơn so với dự báo trước đó. Trong năm tới, môi trường hoạt động của các hãng hàng không các nước trên thế giới sẽ phải đối mặt với những điều kiện khó khăn hơn cả những gì mà chúng ta đang phải trải qua hiện nay do tăng chi phí nhiên liệu, tăng trưởng GDP chậm hơn và thuế quan bị xiết chặt”.
Nhiều chuyên gia hàng không cho biết hàng không thế giới đang đi theo xu hướng giảm lợi nhuận so với năm 2010, vận tải hàng không ở các khu vực sẽ có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể:
Ở khu vực Bắc Mỹ sẽ chứng kiến lợi nhuận 5,1 tỉ USD trong năm 2010 giảm xuống còn 3,2 tỉ USD trong năm 2011. Từ năm 2007, các hãng vận tải Hoa Kỳ đã nâng cao lợi nhuận rất thành công bằng cách điều chỉnh hạn mức vận tải trước những thay đổi về nhu cầu.
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương mang lại lợi nhuận lớn nhất trong năm 2010 với 7,7 tỉ USD, sẽ giảm còn 4,6 tỉ USD trong năm 2011. Đây vẫn là khu vực sinh lợi nhất của thế giới đối với các hãng hàng không dựa trên tăng trưởng GDP mạnh (ngoài Nhật Bản) là 6,6%, dẫn đầu là Trung Quốc. Nhu cầu tăng trưởng 6,9% trong năm 2011 là trên mức trung bình toàn cầu, nhưng vẫn thấp hơn mức dự kiến là 7,8%.
Các hãng vận tải ở khu vực Trung Đông: dự kiến sẽ giảm lợi nhuận năm 2010 từ 700 triệu USD xuống còn 400 triệu USD trong năm 2011. Đây sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trong cả hai năm 2010 và 2011. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sẽ giảm một nửa - từ 21,5% năm 2010 xuống còn 10,5% năm 2011.
Vận tải ở khu vực châu Âu sẽ trở thành ngành công nghiệp lạc hậu trong số các khu vực chủ chốt với lợi nhuận 400 triệu USD năm 2010 giảm xuống còn 100 triệu USD vào năm 2011. Sự cải tiến từ các dự báo trước đây chủ yếu dựa trên sức mạnh của các hoạt động dài hơi với sự tận dụng lợi thế tăng trưởng mạnh mẽ ở các vùng khác.
Điều kiện thị trường của khối châu Âu vẫn ảm đạm bởi kết quả của cuộc khủng hoảng nợ, tăng trưởng kinh tế chậm, các biện pháp khắc phục của Chính phủ và việc tăng thuế. Khả năng sinh lợi tiếp tục suy yếu do xu hướng tăng trưởng chỉ ở mức 3,5% cùng với mức tăng công suất 4,4% trong năm 2011.
Ở khu vực Mỹ Latinh sẽ chứng kiến 1,2 tỉ USD lợi nhuận của họ trong năm 2010 giảm xuống còn 700 triệu USD năm 2011. Mức tăng trưởng nhu cầu là 6,3% trong năm 2011 sẽ bị bỏ xa bởi việc gia tăng công suất lên 7,2%. Việc hợp nhất trong khu vực và một nền kinh tế khu vực mạnh mẽ, dẫn đầu là Brazil, sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng vững chắc và phát triển lợi nhuận giữa các hãng vận tải hàng đầu khu vực.
Các hãng vận tải Châu Phi sẽ chứng kiến mức lợi nhuận 100 triệu USD trong năm 2010 bi phá vỡ ngay trong năm 2011. Như các khu vực khác, việc mở rộng công suất 6,4% trong năm 2011 sẽ vượt xa nhu cầu tăng trưởng là 5,5%. Các hãng vận tải của khu vực tiếp tục được hưởng lợi từ sự mở rộng kinh tế hàng hóa giúp thúc đẩy tăng trưởng trong cả thị trường vận chuyển trong khu vực và thị trường vận chuyển đường dài.
Đối với vận tải hàng không tại Việt Nam, ông Giovanni Bisignani - Tổng Giám đốc IATA nhận định: “Tương lai của ngành Hàng không Việt Nam rất khả quan. Vào năm 2014, Việt Nam được dự kiến sẽ trở thành thị trường vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế phát triển nhanh thứ ba trên thế giới, và là thị trường vận chuyển hành khách nội địa phát triển nhanh thứ 2 thế giới.
Nhưng đó chỉ là dự đoán trong tương lai và không phải là một sự thật hiển nhiên. Ngành hàng không Việt Nam phải được xây dựng và hỗ trợ bởi những chính sách thiết thực, thể hiện rằng đây là một ngành công nghiệp năng động, và và đòi hỏi phải thay đổi, sáng tạo”.
Theo Dân Trí