Mỹ-Trung khẩu chiến về gián điệp mạng

Thứ tư, ngày 08/05/2013

Ngày 6-5, Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo Trung Quốc liên quan đến các vụ gián điệp mạng nhằm vào các kế hoạch quân sự và chính sách đối ngoại của Mỹ. Lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ tố cáo trên. Song cáo buộc chính thức này đã thể hiện sự quan ngại về chiến lược thông tin mạng của Trung Quốc.

Nỗi lo tiềm tàng

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, năm 2012, tin tặc Trung Quốc đã liên tục tấn công các hệ thống mạng của chính phủ Mỹ nhằm tìm hiểu các kế hoạch, chính sách quân sự và đối ngoại của Washington.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, trong một số vụ tấn công trên mạng, thủ phạm trực tiếp có liên quan đến quân đội và chính quyền Bắc Kinh: “Trung Quốc sử dụng năng lực khai thác hệ thống mạng để thu thập thông tin tình báo về các chương trình quốc phòng của Mỹ”

  Mỹ cho rằng nhiều nhóm tin tặc do chính phủ và quân đội Trung Quốc chống lưng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành vi tấn công trên mạng. Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ nhận định, tin tặc Trung Quốc muốn ăn cắp thông tin để phục vụ cho ngành sản xuất vũ khí và công nghệ quốc phòng của họ.

Trước đó, ngày 28-3, Tổng thống Obama đã ký một đạo luật về các khoản tài trợ mua sắm cho các cơ quan chính phủ. Theo đó, Mỹ yêu cầu thắt chặt việc mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc từ Trung Quốc. Luật này không cho phép NASA và các cơ quan tư pháp, thương mại tự ý mua sắm các hệ thống công nghệ thông tin của Trung Quốc nếu chưa có sự đồng ý của các cơ quan thực thi pháp luật Liên bang.

Chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đánh giá và chiến lược quốc tế (Mỹ), Richard D. Fisher, Jr, cho rằng: “Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ thành công trong việc xây dựng sức mạnh tác chiến mạng nhất thế giới: mạnh về lực lượng, công nghệ và khả năng tác chiến, tấn công các mục tiêu trên thế giới”.

Đô đốc Robert F. Willard - Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng nhận định: “Trung Quốc đang theo đuổi những khả năng về tác chiến trên vũ trụ và không gian mạng, mà những khả năng này có thể được áp dụng không chỉ để phá hoại các chiến dịch quân sự của Mỹ mà còn đe dọa đến các cơ sở hạ tầng thông tin dựa trên không gian vũ trụ và không gian mạng để thực hiện thông tin liên lạc và thương mại quốc tế… từ đó thách thức khả năng thực hiện các chiến dịch của Chính phủ Mỹ trong thời bình và thời chiến”.

Nguy cơ hiện hữu

Gián điệp mạng: Theo các chuyên gia Mỹ, do thiếu các điều kiện “tác chiến động”, Trung Quốc đã sử dụng những khả năng về mạng máy tính để theo đuổi một chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu một cách liên tục. Trong đó, tất cả những nước mà Trung Quốc có lợi ích (bao gồm cả Mỹ) đều là đối tượng của các cuộc thăm dò khảo sát mạng, tìm kiếm tất cả mọi loại thông tin quân sự, thương mại hay chính trị, đồng thời tìm kiếm những phương thức mới để biến các cơ sở hạ tầng điện tử quân sự và dân sự phức tạp của các nước mục tiêu thành “gót chân Achilles” của họ.

Gián điệp mạng của Trung Quốc còn đang thúc đẩy triển khai hướng đến mục tiêu là các cơ quan quân sự, tập đoàn quốc phòng và Chính phủ Mỹ, nhất là các chương trình quân sự có giá trị cao. Theo ông Richard D. Fisher, Jr, ở nước ngoài, nhất là bạn bè, đồng minh của Trung Quốc, những nơi mà các công ty máy tính của Trung Quốc như Huawei đóng một vai trò tích cực trong việc mở rộng ảnh hưởng chính trị trực tiếp.

Huawei bắt đầu hợp tác với quân đội Trung Quốc năm 1980 để xây dựng mạng cáp quang quốc gia, đảm bảo sự kiểm soát của chính phủ đối với sự phát triển Internet ở Trung Quốc. Ngày nay, Huawei là nhà sản xuất phần cứng lớn thứ hai thế giới. Phần cứng Huawei thường được thấy có chứa phần mềm đặc biệt có thể cho phép người ngoài truy cập vào các mạng máy tính. Huawei và các lực lượng an ninh mạng của Trung Quốc hiện đang xuất khẩu những thành tựu chuyên môn của họ.

Qua sự hiện diện của các kỹ thuật viên Trung Quốc và việc áp dụng công nghệ mạng của Trung Quốc, các cơ quan tình báo Trung Quốc luôn nắm được các nước như: Zimbabwe, Bolivar, Venezuela, Bolivia, Ecuador… và đang gây tác động mạnh lên nền an ninh của Mỹ.

Công nghệ “sử dụng kép”: Cũng theo các chuyên gia, giữa những năm 1990, Bộ Thương mại Mỹ đã cho phép việc thương mại, buôn bán tăng lên với các sản phẩm được gọi là “sử dụng kép” có thể sử dụng trong quân sự nhưng không phải là vũ khí.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã gây áp lực về kinh tế và chính trị lên các nước EU, nhằm buộc EU phải chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Điều này càng trở nên khó khăn trong suốt giai đoạn bất ổn tài chính hiện nay, trong đó các quốc gia EU đang phải phụ thuộc vào các khoản “nợ mềm” của Trung Quốc. Mỹ lo ngại việc EU cho phép lưu thông một lượng lớn hơn công nghệ “sử dụng kép” sang Trung Quốc sẽ tạo ra các lợi thế cạnh tranh cho Trung Quốc tại Mỹ.

Tấn công mạng: Trong chiến lược quân sự của Trung Quốc, quân đội có nhiệm vụ bảo vệ “lãnh thổ thông tin”, trong đó đề cập sâu đến khả năng tác chiến mạng ra nước ngoài.

Theo đó “lãnh thổ thông tin” “không chỉ đề cập đến Internet nói chung mà còn là các hệ thống mạng thông tin của những lĩnh vực chủ chốt như: tài chính, điện lực, viễn thông, giao thông, năng lượng, quân sự và thống kê”.

Mỹ là một quốc gia khác biệt với Trung Quốc, là một xã hội tập trung cần thông tin cao nhất thế giới, đất nước mà cơ sở hạ tầng có thể được miêu tả một cách chính xác là một “hệ thống của các hệ thống”, vì thế nước Mỹ có nhiều điểm yếu đối với các cuộc tấn công vào mạng thông tin.

Các chuyên gia cho rằng, 10% nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào không gian mạng: “Trong trường hợp có một cuộc chiến trong tương lai với Trung Quốc hay liên quan đến những lợi ích tự tuyên bố của Trung Quốc ở châu Á, nước Mỹ tin chắc rằng quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng các vi rút máy tính hoặc “bom máy tính” để tấn công vào các mạng điều khiển hệ thống giao thông đường không, đường bộ và đường sắt, hệ thống kiểm soát khẩn cấp, ngành tài chính, hệ thống nước sạch, vệ sinh và năng lượng của Mỹ”.

Đây là những nguy cơ mà các nhà hoạch định chiến lược và giới chỉ huy, lãnh đạo Mỹ không thể coi nhẹ.

Như vậy, từ những lo ngại tiềm tàng về năng lực công nghệ mạng máy tính của Trung Quốc, đến những gì đã và đang thúc đẩy việc xây dựng lực lượng tác chiến mạng và gia tăng các hoạt động tình báo của Trung Quốc tại Mỹ và các nước, khiến dư luận quốc tế quan ngại về nguy cơ mất an ninh mạng là một thực tế..

Theo Báo Nhân Dân