Mỹ thuật Đông Nam Bộ: Phát triển và hội nhập
(BDO) Đó chính là nội dung chương trình hội thảo do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh và trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương.
Các đại biểu tham quan trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương
Truyền thống và bản sắc
Tại hội thảo, các nhà khoa học, họa sĩ, nhà thiết kế mỹ thuật… đã cùng thảo luận về ba cụm chủ đề chính: Mỹ thuật Đông Nam bộ - truyền thống và bản sắc; mỹ thuật Đông Nam bộ trong xu thế hội nhập; mỹ thuật Đông Nam bộ - 120 năm dấu ấn từ trường Mỹ thuật Bản xứ Thủ Dầu Một.
Từ 3 chủ đề trên, Ban tổ chức đã nhận được trên 50 báo cáo khoa học đề cập đến các nội dung về truyền thống, quá trình hội nhập và phát triển của mỹ thuật Đông Nam bộ. Một số báo cáo nghiên cứu sâu những nét đặc trưng trong nghệ thuật sáng tác tranh sơn mài Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh; nghệ thuật điêu khắc tượng đài, tranh hoành tráng tại Bình Dương; nghệ thuật chạm khắc trang trí các công trình kiến trúc cổ truyền thống tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai; nghệ thuật gốm Biên Hòa; nghệ thuật trang trí dân tộc Stiêng Bình Phước; nghệ thuật gốm Bình Dương và tranh kính Lái Thiêu.
Một số báo cáo trình bày quá trình giao thoa, tiếp biến của đời sống mỹ thuật ở Đông Nam bộ và những vấn đề đặt ra về việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Cũng theo đánh giá của ban tổ chức, một số báo cáo trình bày khá chi tiết lịch sử ra đời và hoạt động của trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một, trường Mỹ nghệ Biên Hòa, trường Vẽ Gia Định…
Dấu ấn từ trường Mỹ thuật Bản xứ Thủ Dầu Một
Đặc biệt, tại hội thảo lần này các đại biểu đã cùng nhìn lại mỹ thuật Đông Nam bộ từ dấu ấn của trường Mỹ thuật Bản xứ Thủ Dầu Một xưa, nay là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một là một trong số những học sinh của trường từ những năm trước giải phóng (1975) khẳng định, Thủ Dầu Một được lựa chọn để mở trường mỹ thuật bởi nơi đây không chỉ trù phú về nguyên liệu, có nghề thủ công mỹ nghệ phát triển lâu đời mà còn là nơi tập trung đông đảo những người thợ mỹ nghệ lành nghề, giỏi nhất Nam bộ thời ấy.
“Trường Mỹ thuật Bản xứ Thủ Dầu Một ra đời như một mối nhân duyên kích hoạt nghề thủ công mỹ nghệ ở Thủ Dầu Một phát triển mạnh mẽ; nhân lực tham gia vào học hành, sản xuất ngày càng đông; các làng nghề truyền thống có cơ hội tiếp cận những kỹ nghệ tinh hoa trong và ngoài nước, sản phẩm mỹ nghệ vươn xa khắp thế giới, được giới tư bản Pháp chọn trưng bày trong các cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của Đông Dương tại Pa-ri, Mác-xây”, ông Hiệp nhìn nhận.
Tại buổi hội thảo, chúng tôi đã được trao đổi với ông Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật miền Nam, học sinh của trường trong những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ 20. Ông đã thông tin, trường mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một thành lập năm 1901 đến nay vừa tròn 120 năm. Mặc dù được thành lập là trường trung cấp mỹ thuật nhưng giai đoạn đó là một bước ngoặt lớn của nền mỹ thuật nước nhà. Việt Nam vốn có nhiều truyền thống mỹ thuật dân gian chứa đựng bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt, đối với Bình Dương, trường trung cấp mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một là trường đầu tiên mở đầu cho phương pháp đào tạo theo nền mỹ thuật bác học phương Tây.
Thật đáng mừng khi trải qua bao thăng trầm, ngôi trường này vẫn còn tồn tại và lưu giữ nghề truyền thống của Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng. Ông Phạm Văn Ngàn, Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương khẳng định, nhà trường luôn xem trọng chất lượng đào tạo; phẩm chất và tay nghề của học sinh được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, trường chú trọng đào tạo đội ngũ sáng tác, đồng thời duy trì, phát triển các nghề truyền thống như sơn mài, điêu khắc, thiết kế gỗ... nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ và khả năng sáng tạo cao, là nền tảng cho đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong giai đoạn giáo dục chuyển đổi số hiện nay.
►PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh Việc tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận về các cụm chủ đề của cuộc hội thảo không chỉ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên các nhà trường cũng như đội ngũ các nghệ sĩ và nhà quản lý, mà còn để tìm về dấu ấn mỹ thuật của vùng đất miền Đông xưa, nền tảng của Đông Nam bộ đương đại; khẳng định những giá trị bất biến, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về việc giữ gìn và phát huy các giá trị mỹ thuật truyền thống trong dòng chảy giao lưu, hội nhập và phát triển. ►PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một Sự ra đời và hoạt động của trường Mỹ thuật Bản xứ Thủ Dầu Một không chỉ góp phần kích hoạt sự phát triển kinh tế thủ công nghiệp, nhất là đối với các ngành nghề sơn mài, gỗ mỹ nghệ ở Thủ Dầu Một mà còn tạo nhiều dấu ấn trong đời sống mỹ thuật của người dân Thủ Dầu Một nói riêng, miền Đông Nam bộ nói chung. Nhiều thầy giáo làng ở Thủ Dầu Một tuy không hoạt động chuyên về mỹ thuật nhưng am tường những kiến thức cơ bản để trao truyền cho con cháu, nhiều học sinh dù thời gian học tập rất ngắn ngủi cũng biết áp dụng mỹ thuật trong cuộc sống một cách linh hoạt. |
ÁNH SÁNG