Mỹ tái bố trí lực lượng tại châu Phi vì xung đột Nam Sudan

Thứ ba, ngày 24/12/2013

  Xung đột ở Nam Sudan đã khiến hàng ngàn người phải chạy tị nạn

Lầu Năm Góc ngày 23-12 thông báo Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ sẽ tái bố trí máy bay và các lực lượng khác của mình tại vùng Sừng châu Phi, trong bối cảnh Washington đang chuẩn bị cho khả năng sơ tán thêm công dân Mỹ và các nước khác khỏi Nam Sudan.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, nói: "Tư lệnh tác chiến sẽ tái bố trí các lực lượng Mỹ trong khu vực nhằm đảm bảo chúng ta có những khả năng cần thiết để đáp ứng bất cứ đề nghị nào của Bộ Ngoại giao”.

Ông Warren cho biết lực lượng được tái triển khai nhằm phục vụ các sứ mệnh có thể thực thi liên quan đến “hoạt động sơ tán và đảm bảo an ninh cho một cuộc sơ tán”.

Tuy nhiên, người phát ngôn này từ chối cho biết liệu Mỹ có điều quân tới Nam Sudan hay những nơi khác trong khu vực hay không.

Cùng ngày, thủ lĩnh quân nổi dậy chống Chính phủ Nam Sudan Riek Machar ngày 23/12 tuyên bố sẵn sàng đối thoại để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay, song tuyên bố trước tiên Tổng thống Salva Kiir phải trả tự do cho các đồng minh chính trị của ông này.

Riek Machar, một cựu phó tổng thống, cho biết ông đã thông báo điều này với ngoại trưởng Ethiopia - người giữ vai trò trưởng nhóm trung gian hòa giải của châu Phi đang tìm cách chấm dứt hơn 1 tuần xung đột đẫm máu tại Nam Sudan.

Phát biểu qua điện thoại, ông Machar nói: "Thông điệp của tôi là Salva Kiir hãy thả các đồng chí đang bị giam giữ của tôi và để họ được sơ tán tới Addis Ababa, khi đó chúng tôi có thể khởi động đối thoại". Ông cho biết thêm đã kiểm soát các mỏ dầu tại các bang Unity và Upper Nile ở Nam Sudan.

Phản ứng với tuyên bố trên, Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Michael Makuei khẳng định chính phủ nước này vẫn kiểm soát các mỏ dầu và sẽ không chấp nhận yêu sách đòi thả các chính trị gia bị bắt giữ do một “âm mưu đảo chính bất thành”.

Machar, người bị sa thải khỏi cương vị Phó Tổng thống Nam Sudan hồi tháng 7 vừa qua, cũng khẳng định ông đã truyền đạt quan điểm này tới Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice hôm 21/12 và trước đó là Phái viên Liên hợp quốc Hilde Johnson.

Machar nhấn mạnh: "Một lệnh ngừng bắn luôn là một nội dung đàm phán, điều đó không thể có được thông qua điện thoại, cũng không thể đạt được thông qua các chuyến ngoại giao con thoi".

Ông đồng thời đề xuất tổ chức đàm phán tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Theo TTXVN