Mỹ nghệ Tân Đại Phát: Gầy dựng thương hiệu bằng sự tâm huyết

Thứ sáu, ngày 13/12/2013

Sinh ra và lớn lên trên đất Bình Dương, từng làm qua các nghề truyền thống như chạm mộc, gốm sứ rồi mua bán phụ tùng ô tô, xe máy, để rồi dừng lại và phát triển bằng nghề mua bán sản phẩm mỹ nghệ tại địa phương; vợ chồng ông Phạm Phú Quốc đã gầy dựng thương hiệu Mỹ nghệ Tân Đại Phát bằng đôi bàn tay trắng và tấm lòng quyết tâm xây dựng cơ nghiệp. 

 Tiệm mỹ nghệ Tân Đại Phát của vợ chồng anh Phạm Phú Quốc trên đại lộ Bình Dương, xã Tương Bình Hiệp, TP.TDM

 Từ 2 triệu đồng vốn vay

Sau 2 năm cưới nhau, năm 1992 với số vốn 2 triệu đồng vay của địa phương, đôi vợ chồng trẻ Phạm Phú Quốc bắt đầu tạo dựng cuộc sống bằng nghề mua bán nhang, đèn, đồ cúng tại chợ Thủ Dầu Một. “Nghèo khó ra chợ buôn bán kiếm sống, là chuyện đương nhiên. Nhưng buôn bán ở chợ thì đủ mọi thành phần, có người hiền lành, cũng có người thế này thế khác. Mình là dân gốc Bình Dương, vốn quê mùa nhưng chân thật, có sao nói vậy không biết thêm bớt, nên vợ chồng tự an ủi nhau mua bán nhang đèn, đồ cúng, tuy giá trị không cao nhưng là giá trị niềm tin, nét văn hóa truyền thống của người Việt. Là người bán hàng mình phải biết trân trọng nhu cầu của khách bằng cách phục vụ ân cần, vui tươi và nhất là phải trung thực thật thà, xem nhu cầu của khách hàng như chính nhu cầu của mình”, anh Quốc tâm sự.

Từ đó tiệm bán nhang đèn, đồ thờ cúng của ông được nhiều người để ý, ủng hộ. Các thầy, cô ở chùa thấy thương, tin tưởng cũng góp ý, ủng hộ, hướng dẫn trưng bày thêm một số mặt hàng khác liên quan đến thờ cúng, tâm linh, phong thủy. “Việc mua bán thuận lợi vợ chồng mới dám thuê sạp để có chỗ ngồi buôn bán đàng hoàng, rồi đặt tên tiệm là Tân Đại Phát”, anh Quốc nhớ lại.

Tạo dựng thương hiệu

Trước khi cưới nhau, vợ chồng anh Phạm Phú Quốc đều trải qua các nghề mộc, chạm, làm gốm sứ, sơn mài bởi đó là các nghề truyền thống của địa phương. Sau ngày cưới, trong những lần về Sài Gòn, qua các phố Nguyễn Chí Thanh, Ngô Gia Tự (Q.5, TP.HCM), Cộng Hòa (Q.Tân Bình) nhìn thấy nơi đây bày bán san sát hàng hóa thủ công mỹ nghệ, đồ mộc gia dụng… Quốc thầm nghĩ: “Đây là thế mạnh của mình, nhưng làm sao để phát huy nó đây?”.

Mãi đến khi có điều kiện, có tiệm bán đồ mỹ nghệ thờ cúng Tân Đại Phát, vợ chồng Phạm Phú Quốc mới có điều kiện phát huy sở trường, thực hiện ước mơ của mình. Với vốn liếng nghề nghiệp và mối quan hệ có được, Quốc bắt đầu tìm kiếm, sưu tầm nhiều mặt hàng từ đồ gốm đến đồ gỗ, đồng mỹ nghệ mới lạ do các nghệ nhân, nhà sản xuất có tiếng tại Bình Dương làm ra để vừa phù hợp nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng vừa bảo đảm về giá. Những năm gần đây kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, cuộc sống, thu nhập của người dân cũng được nâng lên, nhu cầu cuộc sống cũng ngày một cao hơn, tiệm Mỹ nghệ Tân Đại Phát cũng có điều kiện mở rộng, đa dạng hóa hàng hóa, sản phẩm. Ông chủ Phạm Phú Quốc phải liên tục bận rộn đi tìm kiếm, sưu tầm sản phẩm mới lạ, chất lượng để phục vụ khách hàng và vui hơn là những sản phẩm được làm ra từ bàn tay lao động của người Việt được gia tăng giá trị và đưa đến tận tay người tiêu dùng.

Tuy cuộc sống đã khá hơn, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều, nhưng vợ chồng anh Phạm Phú Quốc vẫn không thay đổi nếp sống hiền lành, chân quê. Cũng từ nếp sống, cách làm chân thật đó đã giúp vợ chồng anh tạo dựng được thương hiệu riêng cho gia đình ngay trên quê hương mình đang sinh sống. Cả hai vợ chồng cùng chia sẻ: “Cũng nhờ vợ chồng cần cù, chắt chiu trong làm ăn, nên được mọi người ủng hộ, giúp đỡ mới có được một Tân Đại Phát như ngày hôm nay. Hạnh phúc hơn cả là hai đứa con được sinh ra từ nghèo khó, thấy được cuộc sống lao động hàng ngày đầy vất vả nên đã cố gắng học tập. Con gái lớn đã vào Đại học Quốc tế Miền Đông, đứa nhỏ đang học trường Trung học Việt Anh. Dù có vất vả nhưng nhìn thấy con cái ngoan hiền, học hành tiến bộ và vợ chồng rất vui”.

 DUY CHÍ