Mỹ không coi ICBM mới của Triều Tiên là mối đe dọa thực sự

Thứ bảy, ngày 16/12/2017

(BDO)  

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Ngày 15/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên chưa đặt ra mối đe dọa cấp bách đối với Mỹ.

Phát biểu với báo giới tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Mattis nêu rõ các chuyên gia đang tiếp tục phân tích về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, song vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy ICBM có thể là mối đe dọa với Mỹ ở thời điểm này.

Hồi tháng trước, Triều Tiên chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 mới, "có tầm bắn bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ." Tuyên bố cho biết tên lửa Hwasong-15 là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên, đã bay 950km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km.

Ngay sau vụ thử, Bộ trưởng Mattis nhận định tên lửa trong vụ thử mới nhất này của Triều Tiên bay cao hơn so với các vụ phóng trước đó và đây là một phần trong nghiên cứu và phát triển của Bình Nhưỡng nhằm "tiếp tục chế tạo các tên lửa đạn đạo có thể đe dọa khắp nơi trên thế giới". Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM.

Trong bối cảnh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ sang Canada ngày 19/12 để bàn công tác chuẩn bị cho hội nghị quốc tế về Triều Tiên được hai nước đồng chủ trì vào tháng tới ở thành phố Vancouver của Canada.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, Ngoại trưởng Tillerson chủ trương tìm kiếm các giải pháp phi quân sự cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Ông cho biết Mỹ sẽ sử dụng tất cả các biện pháp tự vệ cần thiết để chống lại hành động mà nước này cho là gây hấn của Triều Tiên, nhưng vẫn hy vọng ngoại giao sẽ đưa tới một giải pháp.

Ông Tillerson nhấn mạnh Bình Nhưỡng cần chấm dứt mọi hành vi đe doạ trước khi khởi động các cuộc đàm phán và “Triều Tiên cần tự tìm đường quay lại đàm phán” trong khi Mỹ “sẽ giữ các kênh đối thoại mở.” Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc và Nga gia tăng sức ép đối với Triều Tiên thông qua việc ngừng cấp dầu cho Bình Nhưỡng và chấm dứt tuyển dụng lao động Triều Tiên để buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán mà không có các điều kiện tiên quyết.

Trong những ngày qua, Washingtơn đã phát đi những thông điệp trái ngược nhau trong vấn đề giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ngày 11/12, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng đàm phán bất kỳ lúc nào Triều Tiên muốn đối thoại và sẵn sàng có cuộc gặp đầu tiên mà không có bất kì điều kiện tiên quyết nào, ám chỉ không cần việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un khẳng định sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã được nhiều nhà phân tích xem là dấu hiệu về một sự chuyển hướng trong chính sách nhất quán của Mỹ với Triều Tiên.

Tuy nhiên, ngày 13/12, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tuyên bố chính sách của nước này đối với Triều Tiên "không hề thay đổi", trong khi Nhà Trắng cũng khẳng định Washington sẽ không đàm phán với Bình Nhưỡng trừ phi nước này thay đổi cách hành xử của mình./.  

Theo TTXVN