Mưu sinh với nghề sửa quần áo đường phố

Thứ tư, ngày 27/02/2013
Chỉ với một chiếc máy may cũ kỹ nhưng dựa vào kinh nghiệm, hơn chục năm qua, những người đàn ông này có thể kiếm sống bằng nghề sửa quần áo đường phố. Đây là nghề ít vốn, dễ làm, dễ kiếm được miếng cơm nuôi con cái thành tài…

 Nghề ít vốn…

Khoảng 10 giờ trưa, trên lề đường Nguyễn Trãi (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An), ông Hà Trung Phú, 42 tuổi, quê Thanh Hóa, bận rộn di dời chiếc máy may cũ cùng những bộ quần áo đang sửa vào nơi mát mẻ hơn. “Tôi sửa quần áo ở đường này gần 11 năm nay, chỗ ngồi là dưới bóng cây, nên hễ lúc nào bị nắng thì dời sang chỗ khác. Mỗi ngày cũng phải dời qua lại 2 - 3 lần”, ông Phú vui vẻ cho biết. Vừa nói chuyện, ông Phú vừa làm việc, mồ hôi ướt đẫm vai áo. Ông Phú cho biết trước khi hành nghề sửa quần áo đường phố ông làm công nhân may ở quận Gò Vấp (TP.HCM) nên cũng biết chút ít về may vá. Hiện tại, có ngày ông nhận sửa khoảng chục cái quần áo, nhưng có bữa cũng chỉ được 1 - 2 cái. Giá trung bình khoảng 5.000 - 10.000 đồng/cái quần hoặc áo, còn nếu thay dây kéo, nút áo thì cộng thêm giá dây kéo, nút áo tùy loại. Trong nửa giờ tiếp chuyện với ông, có một phụ nữ đến nhờ ông Phú lên lai chiếc quần jeans mới mua. Chị này cho biết mặc dù quần mới mua nhưng dài quá phải đem sửa. Giá lên lai chiếc quần jeans là 10.000 đồng.    Hai cha con anh Xiêm cùng hành nghề sửa quần áo tại một góc phố ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An

Gần đình Tân Thới (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) cũng có một nhóm 4 - 5 người chuyên làm nghề sửa quần áo đường phố, trong đó có người đã trụ ở đây trên chục năm là ông Nguyễn Anh Dũng, 56 tuổi. Ông Dũng cho biết lấn chiếm hè phố là sai, nhưng vì phải kiếm sống nên cố gắng bày biện gọn gàng, không làm ảnh hưởng tới tầm nhìn của phương tiện qua lại nên mấy anh trật tự cũng thông cảm. Nghề này kiếm tiền là nhờ bỏ công, nhưng khi làm mất quần áo của khách thì phải đền. “Nhóm sửa quần áo ở đình Tân Thới này ai ít thì một lần, còn nhiều thì đôi ba lần phải đền tiền cho khách. Do mình sơ hở nên có người đi ngang tiện tay lấy cái áo hay cái quần, ngày đó kể như không còn đồng bạc uống nước”, ông Dũng bộc bạch.

Khác với những người từng theo nghề may rồi ra hành nghề sửa quần áo đường phố, anh Nguyễn Văn Xiêm, 28 tuổi, quê ở Nam Định, định cư tại Bình Dương gần 10 năm và có trên 7 năm theo nghề sửa quần áo đường phố là nhờ ba anh truyền dạy. Hiện hai cha con anh Xiêm cùng làm nghề này ở một góc phố trên đường Nguyễn Văn Tiết, phường Lái Thiêu. “Nghề này mới làm thấy khó, nhưng khi biết rồi thì dễ. Cái được của nghề là chỉ bỏ ít vốn ban đầu mua cái máy may cũ, nhưng kiếm sống cũng tạm được”, anh Xiêm nói.

Nuôi con thành tài

Vợ chồng ông Hà Trung Phú có 2 đứa con, một đứa đang học lớp 7 và một đứa học lớp 8. Ông mừng vì hai đứa con đều chăm học và học rất khá. “Mình nghèo nên phải chắc bóp từng đồng để nuôi con ăn học. Theo nghề hơn chục năm mà không hề có dư chút tiền để về quê thăm bà con, nhưng chuyện học của con thì không thể không lo”, ông Phú nói.

Giống ông Phú, ông Nguyễn Văn Sáng, 54 tuổi, quê Hà Tây cũng có thâm niên trên 17 năm làm nghề sửa quần áo đường phố. Trước đây, ông Sáng cũng làm trong xí nghiệp may, đến khi lớn tuổi không chịu nổi áp lực công việc ông đành chuyển sang hành nghề sửa quần áo đường phố với mong mỏi hàng tháng kiếm ít tiền gửi về quê nuôi con ăn học. “Biết mình vất vả nên cả 3 đứa con tôi ở ngoài quê đều học hành tử tế, một đứa vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, một đứa đang học trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, còn nhỏ út thì đang học lớp 10”, ông Sáng nói với vẻ tự hào. Ông Sáng cho biết cứ một vài tháng, ông dành dụm gửi về nhà được chừng 3 triệu đồng phụ vợ lo cho mấy đứa nhỏ đi học, chứ ở quê có mấy sào ruộng thì lấy đâu ra tiền cho con đi học!

SÔNG MƠ