Mưu sinh trên bến đò ngang
(BDO) Các bến đò ngang nhỏ, lẻ đưa khách qua sông với mục đích giúp người dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách di chuyển. Đã từ lâu, những bến đò nhỏ như bến đò An Sơn (TP.Thuận An), bến đò Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một) là nơi mưu sinh kiếm sống của nhiều người.
Theo sự phát triển, những con đò chở nặng tình quê rồi sẽ đi vào quá khứ, nhường chỗ cho những cây cầu vững chãi, hiện đại. Những người đã và đang xem dòng sông, bến nước, con đò như một phần đời sống của mình vẫn sâu nặng với những tháng ngày tuy cơ cực mà vui.
Những chuyến đò ngang đưa khách từ Bình Dương sang Củ Chi, Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) và ngược lại
Trên mỗi chuyến đò, ngoài người lái đò còn có những người phụ đò giúp thu tiền và đưa áo phao cho khách
Bà Trần Thị Tuyết, quê Đồng Tháp cho biết mỗi ngày bà bán vé số ở bến đò cũng kiếm được khoảng 150.000 đồng
Bà Bùi Thị Bạch Tuyết bán hàng rong ở bến đò Bà Lụa tâm tình: Hồi trước khách đi đò rất đông. Còn hiện tại khách thưa dần, vì nhiều khách chọn qua sông bằng những cây cầu hiện đại cho thuận tiện, mỗi ngày bà kiếm được hơn 100.000 đồng tiền bán bánh, kẹo, nước uống
Anh Phạm Quốc Tân, nhà ở Bình Dương, làm việc tại Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh. Trước đây, anh thường đi qua cầu Phú Cường. Nhưng sau này, do lượng xe qua cầu rất lớn, nên anh chọn đi đò cho thuận tiện hơn
Anh Nguyễn Hoàng Các, lái đò, chia sẻ: Anh gắn bó bến đò Bà Lụa đến nay đã hơn 30 năm. Nửa đời người lênh đênh trên sông nước với biết bao kỷ niệm vui buồn. Bến nước và dòng sông nơi đây đã cho anh có một cuộc sống ổn định, biết ơn những lữ khách qua sông bao năm qua, vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán và các ngày rằm lớn trong năm, anh đưa đò miễn phí cho tất cả hành khách qua sông
Công Luận