Mưu sinh bằng nghề... bắt rết!

Thứ tư, ngày 28/11/2012

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh có thêm nghề mới để mưu sinh. Đó là nghề... bắt rết. Chỉ cần chiếc cào cỏ, mỗi ngày, một người có thể kiếm được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Nghề này có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái? Thiết nghĩ, các ngành chức năng liên quan cũng cần lưu tâm...

 Cân rết chuẩn bị đem bán Cả nhà đi bắt rết

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Thanh Tuấn, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, Tây Ninh người mà mới đây cũng bỏ nghề xe ôm để gia nhập vào đội quân bắt rết đang ngày càng rầm rộ ở đây. Được biết, đến nay chỉ riêng tại xã Phước Trạch đội quân này đã lên đến hàng chục người. Hiện tại cả 3 anh em trong gia đình anh Tuấn đều đi bắt rết để mưu sinh.

Khi chúng tôi đến, trời cũng bắt đầu chuyển cơn mưa chiều. Anh Tuấn và những người đi bắt rết đã chờ mưa từ mấy ngày nay. Đối với họ, cơn mưa báo hiệu một ngày bắt được nhiều rết, vì theo anh Tuấn, trời mưa rết bò hết lên cây tha hồ mà bắt không phải cào cỏ, cào lá tìm rết như ngày thường. Rết ở đây đặc biệt “ khủng” với kích thước lớn bằng ngón tay trỏ và có con dài cả gang tay người lớn. Có một điều lạ là rết ở đây nhiều vô số. Anh Tuấn cho biết, từ 2 năm nay, ngày nào cũng có người đi bắt nhưng lúc nào cũng có rết. Vào những ngày trời mưa, dân bắt rết “trúng” thì tại vựa thu mua rết chất thành đống, có đến hàng trăm kg.

Sáng sớm, sau khi nhấm nháp ly cà phê và chở con đi học xong, vợ chồng anh Tuấn bắt đầu lên đường đi bắt rết. Địa điểm là những lô cao su ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu và cũng có người đi sang tận Dầu Tiếng, Bình Dương. Với dụng cụ đơn giản là chiếc cào cỏ, mỗi ngày vợ chồng anh có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng. Anh nói, lúc mới vào “nghề” anh chỉ bắt được 20 - 30 con/ngày còn bây giờ mỗi ngày anh bắt cả trăm con. Ngày bắt được ít nhất, vợ chồng anh cũng bán được 50.000 - 70.000 đồng. Được biết, việc mua bán rết ở đây đã có từ 2 năm nay. Hiện có nhiều đầu mối thu mua rết nhưng chỉ mua khi nào họ cần, còn một đầu mối lớn ở thị trấn Gò Dầu thì lúc nào cũng mua, có bao nhiêu cũng mua. Về giá cả, theo anh Tuấn lúc đầu mối thu mua 380.000/kg nhưng về sau khi có nhiều người đi bắt thì giá chỉ còn 300.000/kg. Cũng có chỗ thu mua rết tính theo con. Tùy theo kích cỡ mà tính giá từ 2.500 đồng, 3.000 đồng, 6.500 đồng/con…

Xung quanh chuyện con rết

Khi chúng tôi hỏi người ta mua rết để làm gì thì những người đi bắt rết đều không biết, chỉ nghe đâu là người ta mua rết cho cá rồng ăn. Còn tại vựa thu mua rết, họ thấy rết được sấy khô và cũng nghe đâu là để bán sang Trung Quốc. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì rết được mua để dùng vào nhiều mục đích khác nhau như ngâm rượu, cho gà chọi, cá rồng ăn (rết được dân chơi cá rồng coi là thức ăn để giúp cá phát triển màu sắc) và một phần xuất sang Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc mua rết để làm gì thì theo chúng tôi được biết ở Việt Nam hiện nay ngay cả các nhà chuyên môn cũng không biết chính xác, chỉ đoán là họ mua rết để làm thuốc.

Theo các nhà chuyên môn thì việc săn bắt rết rầm rộ trong tự nhiên cũng sẽ làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Còn với những người nghèo thiếu việc làm như gia đình anh Tuấn thì việc bắt rết hay một công việc thời vụ nào đó cũng là một dịp để mưu sinh. Với họ, có được một công việc ổn định luôn là niềm mong mỏi.

T.V