Mứt gừng tết ở Bình Nhâm

Thứ năm, ngày 03/01/2013

   Nghề làm mứt gừng ở Bình Nhâm góp phần sung túc cho người dân

 Nghề truyền thống

Những người dân ấp Bình Hòa cho biết nghề làm mứt gừng này không biết có từ bao giờ mà chỉ biết rằng thế hệ của những người nối nghiệp hôm nay đã được truyền đạt kinh nghiệm từ gia đình họ. Làm mứt gừng cũng khá công phu, phải trải qua nhiều công đoạn. Người làm mứt phải cạo gừng sạch vỏ, rồi đem ngâm với muối một đêm để cho gừng không còn bị nồng nữa, sau đó là xăm gừng. Ở giai đoạn xăm gừng, có người xăm thủ công, có người dùng máy xăm, rồi ngâm với chanh đem phơi nắng cho thật trắng. Sau giai đoạn này người ta đem luộc cho bớt mùi cay nồng của gừng, rồi mới đến giai đoạn ướp đường cho thấm, đến lúc gần bán mới đem sên trên bếp lửa hồng. Hầu như những người làm mứt gừng đều phải trải qua những bước như thế, nhưng để mứt gừng được dẻo, trắng là cả một bí quyết, kinh nghiệm riêng. Chị Nguyễn Thị Lan cho biết: “Tôi làm nghề mứt gừng này đã gần 20 năm, từ khi còn nhỏ tôi đã phụ mẹ làm công việc

 này rồi. Để có được miếng mứt gừng trắng, dẻo, ngon mà người tiêu dùng ưa chuộng là cả một quá trình. Trước đây, người xóm mứt chủ yếu làm thủ công, ai làm từ 50 - 100kg được xem là nhiều rồi, nhưng nay có thêm máy móc hỗ trợ nên nhà nào cũng làm vài trăm kg trở lên để phục vụ nhu cầu của người dân”.

Để có được miếng gừng trắng, dẻo là cả một quá trình như kỹ thuật xăm gừng như thế nào để miếng gừng không bị vỡ và mềm đều, đến kỹ thuật luộc gừng với độ lửa bao nhiêu là thích hợp, rồi xả gừng bằng nước pha với chanh sao cho miếng gừng trắng. “Miếng mứt gừng được mềm, dẻo ngon và có màu sắc đẹp, đó là cả một bí quyết và đầy kinh nghiệm được truyền lại từ chính truyền thống gia đình”, chị Lan cho biết thêm.

Ông Phạm Phú Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhâm cho biết: “Ngày bình thường thì những hộ dân ở đây làm ngành nghề khác, nhưng gần tết là họ làm mứt gừng, nên chỉ mang tính thời vụ. Người tiêu dùng chọn mua mứt gừng ở đây vì là nghề truyền thống, mứt gừng không có phẩm màu và dùng hóa chất tẩy trắng. Dù bánh kẹo ngày càng phong phú, đa dạng, nhưng số lượng mứt gừng mỗi năm mỗi tăng...”.

Giữ gìn nghề làm mứt

Những ngày chúng tôi đến ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm (TX.Thuận An), người dân tấp nập chế biến làm mứt gừng. Mứt gừng ở Bình Nhâm có hương vị đậm đà vừa cay cay, vừa ngọt ngọt thích hợp cho khẩu vị ngày tết.

Ngày nay do nhu cầu của thị trường, số hộ làm mứt gừng giảm, nhưng số lượng không giảm. Ở làng làm mứt gừng Bình Nhâm vẫn còn hơn chục hộ chuyên làm mứt gừng truyền thống vào dịp tết. Ông Phạm Phú Nam cho biết thêm: “Đảng bộ, chính quyền xã Bình Nhâm rất quan tâm đến tình hình của các hộ làm mứt gừng vào dịp Tết Nguyên đán như hỗ trợ vay vốn từ quỹ của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp cùng Phòng Văn hóa - Du lịch và Thể thao TX.Thuận An đưa làng mứt gừng Bình Nhâm trở thành một điểm du lịch sinh thái miệt vườn… nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống làng nghề”.

Mứt gừng Bình Nhâm ngày càng được nhiều người biết đến bởi hương vị đặc trưng của nó. Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ khác, xóm mứt này cũng chưa bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa được tập huấn kiến thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để làm ra những sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Ngoài làm mứt gừng củ thì người ta còn làm thêm mứt gừng sợi, mứt me, mứt tắc và mứt mãng cầu… Những hộ làm mứt gừng ở đây cho biết, năm nay giá bán từ 75.000 - 80.000 đồng/ kg. Tuy nghề làm mứt không thể giải quyết việc làm cho người dân địa phương vì chỉ làm thời vụ, nhưng nó cũng góp phần đem đến sự sung túc cho bà con nơi đây.

THOẠI PHƯƠNG