Muôn mặt “trùm” Blatter
(BDO) Điềm nhiên tọa thị trước, trong và sau cuộc bố ráp, lục soát gây chấn động ở Zurich, Sepp Blatter khiến cả thế giới một lần nữa phải xôn xao về mức độ quyền lực của lão ông 79 tuổi này
Cho đến khi Sepp Blatter đắc cử nhiệm kỳ chủ tịch lần thứ 5 liên tiếp, người ta vẫn chưa thôi tự hỏi vì sao ông lão tuổi ngấp nghé 80 bị cả thế giới bóng đá lên án nhưng vẫn là nhân vật quyền lực bậc nhất hành tinh khiến ngay cả các nguyên thủ quốc gia cũng phải kiêng dè, tiếp đón trọng thị.
Ông hoàng bóng tối
Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động tại thị trấn Visp, Thụy Sĩ, Joseph S. Blatter đã tạo dựng nên huyền thoại về chính mình ngay lúc còn ngồi ghế nhà trường phổ thông khi là nam sinh duy nhất sở hữu các phẩm chất của một cầu thủ chuyên nghiệp.
Ra trường, Joseph gia nhập quân ngũ và leo đến cấp hàm đại tá, vị trí có khá nhiều mối quan hệ sâu rộng mà sau này giúp ích rất nhiều cho chính ông. Sau đó, Joseph làm việc cho một hãng đồng hồ rồi chuyển sang vị trí giám đốc thể thao của Liên đoàn Hockey trên băng Thụy Sĩ trước khi đầu quân cho FIFA, đảm nhiệm vai trò giám đốc kỹ thuật năm 1975. Khi Blatter đắc cử cương vị chủ tịch FIFA năm 1998, cả thị trấn quê ông vui mừng và tự hào.
Chủ tịch FIFA S. Blatter (bên trái) và Tổng Thư ký J. Valcke, người trước đó từng bị xem là gánh tội cho Blatter trong vụ bê bối phá hợp đồng MasterCard khiến FIFA lỗ 60 triệu USDẢnh: REUTERS
Là người hoạt bát, vui vẻ và dễ gần, Blatter dù vậy khá độc đoán và tất nhiên không thiếu những thủ đoạn mà tất cả đã đưa ông lên vị trí lãnh đạo tối cao ở FIFA. Có thể nhìn thấy nơi ông một người tốt bụng, sẵn sàng nâng đỡ các cộng sự nhưng khi họ thăng tiến quá nhanh, Blatter lại thẳng tay loại trừ.
Năm 2001, Công ty Tiếp thị thể thao ISL phải tuyên bố phá sản do mắc nợ trên 100 triệu USD, đặt đối tác FIFA vào tình cảnh hết sức nguy ngập về tài chính. Điều tra từ chính quyền Thụy Sĩ cho thấy ISL đã dùng hàng chục triệu USD để hối lộ cho các quan chức FIFA nhưng Blatter vẫn vô can. Một năm sau, Tổng Thư ký FIFA Michel Zen-Ruffinen trình lên chính quyền Thụy Sĩ bộ hồ sơ tố giác Blatter quản lý tài chính kém và lạm quyền. Blatter phản pháo mạnh mẽ và Zen-Ruffinen đã phải rời bỏ FIFA, tổ chức sau đó mời lại Valcke, người sau này là Tổng Thư ký FIFA.
Năm 2011, không lâu sau khi sóng gió vừa tạm dừng qua vụ chọn Nga và Qatar để trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022, khủng hoảng lại nổ ra. Chuyện xảy ra vài tuần trước cuộc bầu chọn chủ tịch FIFA, ứng viên Mohamed bin Hammam có cuộc gặp với Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner tại khách sạn Hyatt Regency (Trinidad & Tobago) để tìm kiếm sự hậu thuẫn. Một thành viên trong phái đoàn của Jack Warner là Fred Lunn nhận được phong bì có 40.000 USD. Ông này lập tức báo cáo sự việc lên FIFA và gần 40 quan chức bị trừng phạt do tội nhận hối lộ. Bin Hammam bị loại khỏi cuộc bầu cử và Blatter sau đó đắc cử nhiệm kỳ thứ 4.
Kinh tế gia tài ba, thủ đoạn
Rồi đây biên niên sử FIFA sẽ phải ghi nhận nhiều điều về vị chủ tịch đời thứ tám, người ngồi ghế lãnh đạo với thời gian trị vì chỉ sau các vị tiền nhiệm Jules Rimet (33 năm) và João Havelange (24 năm). FIFA ra đời năm 1904 và nếu như 6 đời chủ tịch đầu tiên toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp bóng đá toàn cầu thì kể từ “triều đại” của João Havelange, tổ chức này đã trở thành một thể chế thương mại, cỗ máy kiếm tiền có hạng mà công cụ chủ yếu chính là những kỳ World Cup. Havelange “khai phá” FIFA thành công với sự trợ giúp đắc lực của vị tổng thư ký thời bấy giờ không ai khác hơn là Sepp Blatter nên khi tiếp quản vị trí của Havelange, Blatter còn gặt hái nhiều “chiến tích” hơn nữa.
Sự khôn khéo, thủ đoạn từng giúp Blatter trụ vững kể từ năm 1998, nay tiếp tục trợ lực cho ông ở giai đoạn sóng gió bậc nhất trong lịch sử 111 năm của FIFA. Hàng loạt quan chức cấp cao bị bắt giữ, chờ ngày ra tòa nhưng Blatter vẫn ung dung giành số phiếu bầu rất cao để qua đó buộc ứng viên nặng ký Ali bin Al-Hussein phải chịu khuất phục.
Chẳng ai ngạc nhiên về kết cục đã được dự báo này. Gần 2 thập niên qua, quyền lực của Blatter đã kịp trải dài từ Á sang Phi rồi cả châu Mỹ Latin, tạo cảm giác bình đẳng cho mọi thành viên. Dưới sự bảo bọc của Blatter, ở các cuộc họp đại hội đồng với 209 thành viên, đại diện LĐBĐ của đảo quốc “tí hon” Montserrat ở vùng biển Trung Mỹ cũng có tiếng nói trọng lượng ngang bằng với các “đại gia” của bóng đá thế giới như Brazil hoặc Đức.
Chẳng nhà lãnh đạo FIFA nào làm được như Blatter khi ông đưa World Cup sang Hàn Quốc - Nhật Bản năm 2002, trao quyền tổ chức ngày hội bóng đá thế giới 2010 cho Nam Phi - quốc gia một thời bị cả thế giới tẩy chay vì chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid và hứa xoay vòng quyền đăng cai cho mọi châu lục. Blatter ve vuốt, tạo cảm giác hài lòng mỗi nơi ông đi qua, một hình thức bành trướng đế chế FIFA mà động tác sau cùng mới mang ý nghĩa quyết định: Phân chia lợi nhuận của FIFA để giúp mọi quốc gia phát triển bóng đá từ gốc. Giả sử có khoảng 150-170 trong số 209 LĐBĐ quốc gia và vùng lãnh thổ cần hỗ trợ, mỗi nơi 1 triệu USD thì FIFA cũng chỉ tốn chưa đầy 200 triệu USD trong 5 năm, quá nhỏ nhoi so với lợi nhuận 4 tỉ USD mà tổ chức này thu về từ việc tổ chức World Cup 2014 (năm không có World Cup, FIFA thu về khoảng 1,2 tỉ USD)!
Không ủng hộ Blatter thì họ biết ủng hộ ai?!
Hoài nghi với tuyên bố từ chức
Một ngày sau khi tuyên bố từ chức chủ tịch, hôm 3-6, Sepp Blatter vẫn đến trụ sở FIFA ở Zurich - Thụy Sĩ và điều hành các công việc còn tồn đọng. Theo quy định, các LĐBĐ thành viên phải được thông báo ít nhất trước 4 tháng và cuộc họp bất thường của FIFA để bầu cử chủ tịch thay thế sẽ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2016.
Giai đoạn này, Blatter vẫn tiếp tục công việc của mình khiến những người chống đối ông không khỏi hoài nghi. Chín tháng là quá lâu và nhiều khả năng Blatter có thể đổi ý, không từ chức, không triệu tập họp bất thường như đã hứa. Blatter từng hứa không ra ứng cử năm 2011 nhưng rồi vẫn làm chủ tịch FIFA đến nhiệm kỳ thứ 5!
Theo NLĐ