Ông Dương Minh Định, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương :

Muốn hợp tác lâu dài, trước hết có chữ tín

Thứ năm, ngày 05/01/2017

(BDO) Ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam tuy mới phát triển nhưng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá, cụ thể như: Không tập trung phát triển mạnh ở một thị trường mà phân tán đều ở nhiều thị trường; hồ sơ sản xuất, kinh doanh rõ ràng, minh bạch để không bất ngờ trước các vấn đề pháp lý như kiện chống bán phá giá... Năm 2017, dự báo thị trường gỗ có nhiều triển vọng tốt. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Dương Minh Định, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương (TX.Thuận An) cho biết:

Một công đoạn sản xuất tại Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương Ảnh: DUY CHÍ

Với thị trường Mỹ, lâu nay chúng ta xuất khẩu hàng sang đây và được khách hàng tin tưởng, vì đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật, các thử thách thương mại khác để trở thành đối tác tin cậy, ổn định từ nhiều năm qua. Đặc biệt, thuế nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ được ưu đãi là một thuận lợi lớn cho ngành này. Việc Mỹ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì lại càng tốt cho không chỉ ngành gỗ mà còn những ngành khác của nước ta, còn ngược lại nước này không tham gia TPP thì ngành gỗ nước ta vẫn phát triển bình thường.

Lợi thế xuất xứ hàng hóa C/O đã mang lại cơ hội cho đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng với cam kết thương mại tự do trong hội nhập kinh tế quốc tế thì ngành gỗ trong nước có bị áp lực gì không, thưa ông?

Quy luật của thương mại tự do là hàng hóa của nước mình vào được thị trường nước khác thì phải chấp nhận hàng hóa nước khác vào thị trường của mình. Tính tương tác này sẽ vừa giúp nhau cùng phát triển nhưng cũng vừa âm thầm loại trừ lẫn nhau, nếu có một bên chủ quan, tự thỏa mãn với thành quả mình đã đạt được mà thiếu quan tâm đầu tư, đổi mới chính mình.

Tận dụng lợi thế C/O, nhiều nước đã đến Việt Nam đầu tư phát triển ngành gỗ. Những nước này mang đến công nghệ sản xuất hiện đại, kỹ thuật chế biến tiên tiến giúp ngành gỗ trong nước phát triển. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư chỉ để được hưởng lợi thế C/O, vì ngành gỗ ở nước họ đang bị đánh thuế cao, hoặc bị kiện chống bán phá giá tại những thị trường mà họ xuất khẩu.

Để cứu vãn sản xuất, các hiệp hội, làng nghề của những nước này đã tranh thủ sự ủng hộ về tài chính của chính quyền để doanh nghiệp của họ mang vốn ra nước ngoài đầu tư tìm kiếm lợi thế C/O. Việc hỗ trợ doanh nghiệp mang vốn ra đầu tư ở nước ngoài như kể trên xem ra còn ít tốn kém hơn là ngồi không chờ “mãn án”, đồng thời còn được chào đón với vị thế của nhà đầu tư.

Từ thực tế nói trên cho thấy, không chỉ ngành gỗ mà nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu khác của Việt Nam đang bị ảnh hưởng. Nếu không chuẩn bị tốt, doanh nghiệp nước ta rất dễ bị tác động, có khi là ảnh hưởng nặng nề.

 Xin ông cho biết cụ thể hơn về sự ảnh hưởng này?

 Xuất phát từ nguyên nhân “phải đi để tồn tại” như đã phân tích, cho nên “các nhà đầu tư” kiểu nói trên không có sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp từ lao động đến sản xuất. Do không có sự chuẩn bị từ trước nên các nhà đầu tư này thường thiếu lao động chuyên nghiệp và không có nguồn nguyên liệu. Vì vậy, họ dùng tiền hỗ trợ từ các hiệp hội, làng nghề mà thực chất là tiền tài trợ của Chính phủ của họ để đẩy giá nguyên liệu lên cao nhằm tranh mua với các nhà sản xuất hiện hữu, gây xáo trộn sản xuất, xáo trộn thị trường, khiến không ít nhà sản xuất bị lao đao...

Qua đây, ông có ý kiến gì để các nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất có điều kiện ứng phó có hiệu quả với những bất trắc như ông vừa nêu?

 Lâu lâu chúng ta lại nghe thấy thông tin doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng đến kỳ thu hoạch lại biến mất, hoặc nông dân tự hủy hợp đồng với doanh nghiệp vì có thương lái khác mua giá cao hơn... Nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ văn hóa ứng xử và chữ tín trong cuộc sống. Trong công tác quản trị doanh nghiệp, tôi luôn suy nghĩ và tìm cách trả lời: Vì sao tỷ lệ thành công trong khởi nghiệp của người Việt luôn thấp so với nhiều nơi khác? Từ thực tế trong ngành gỗ cho thấy, họ khởi nghiệp cũng đầy khó khăn, vất vả nhưng biết từ bỏ quyền lợi trước mắt để giữ chữ tín lâu dài. Ngược lại, một số doanh nghiệp của chúng ta khi khởi nghiệp lại chọn quyền lợi trước mắt mà xem nhẹ chữ tín. Theo tôi, muốn xây dựng được mối quan hệ hợp tác lâu dài, điều đầu tiên phải có là chữ tín.

Chúng ta đang khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp để đưa đất nước tiến lên thì ở các trường đào tạo, các khóa đào tạo doanh nghiệp - doanh nhân cần lưu tâm nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức và chữ tín trong sản xuất, kinh doanh. Báo chí cũng góp một tiếng nói không nhỏ trong việc phổ biến văn hóa ứng xử; xây dựng, tuyên dương, giới thiệu những tấm gương về người tốt việc tốt, biết giữ chữ tín trong sản xuất, kinh doanh. Để những người không may vì hoàn cảnh nào đó mà có ý định “bất tín” sẽ thấy sợ, thấy ngại không dám làm...

DUY CHÍ