Mượn danh xin việc – Kỳ 1
(BDO)
LTS: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp người lao động (NLĐ) mượn hồ sơ của người khác đi xin việc làm và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Việc làm này vi phạm các quy định của Luật BHXH và gây không ít khó khăn cho cơ quan BHXH và cả NLĐ trong việc giải quyết các chế độ. Sau những ngày thâm nhập, tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Bình Dương đã thực hiện loạt phóng sự “Mượn danh xin việc” để thông tin đến bạn đọc.
Kỳ 1: Câu chuyện của người trong cuộc
Khi tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp (DN) không kiểm tra chặt chẽ hồ sơ xin việc, do đó đã không phát hiện những trường hợp NLĐ mượn hồ sơ xin việc. Đối với NLĐ vì thiếu hiểu biết nên không nhận thức được hệ lụy khi cho mượn hồ sơ, làm hồ sơ giả để xin việc nên họ không ngần ngại để có được việc làm.
Phóng viên trao đổi với người lao động mượn danh xin việc
Tuyển dụng khá dễ dàng
Đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như một số đoạn đường trong các khu công nghiệp, rất nhiều bảng tuyển dụng lao động được treo, dán khắp nơi để tiện cho NLĐ lựa chọn công việc phù hợp. Trong đó có nhiều vị trí việc làm hấp dẫn, mức lương ưu đãi cao, lại không đòi hỏi bằng đại học nên được nhiều NLĐ coi đó là lựa chọn của mình. Tuy nhiên, không đòi hỏi bằng đại học nhưng cần có bằng tốt nghiệp THPT hoặc chứng chỉ nghề, bằng nghề... Trước một vị trí công việc tốt, phù hợp, một số NLĐ không đủ điều kiện của nhà tuyển dụng đã tìm mọi cách để xin được vào làm việc. Và cách nhanh nhất họ nghĩ ra là mượn hồ sơ của bạn bè, người thân để hoàn thiện hồ sơ xin việc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, quá trình tuyển dụng lao động của một số DN khá đơn giản, dễ dàng. Chứng kiến một số DN tuyển dụng lao động phổ thông, chúng tôi ghi nhận, cầm một bộ hồ sơ xin việc, cán bộ nhân sự của DN chỉ cần vài động tác xem sơ qua bộ hồ sơ xin việc là đã chấp nhận tuyển dụng. Trước sự việc đó, chúng tôi đặt câu hỏi với cán bộ tuyển dụng: “Nếu hồ sơ đó làm giả thì sao?”. Cán bộ nhân sự các công ty trả lời: Với lao động phổ thông, DN chỉ cần xem hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu, giấy tạm trú, đơn xin việc có công chứng, chứng thực là được. Còn việc NLĐ làm giả hồ sơ, hay mượn tên người khác đi làm rất khó để phát hiện. Chỉ có trường hợp ảnh trong CMND lớn tuổi nhưng bên ngoài nhìn có vẻ nhỏ tuổi thì bộ phận nhân sự sẽ xem kỹ lại hồ sơ để tránh tuyển lao động trẻ em. Nếu thật sự có chuyện làm giả hồ sơ hay mượn danh người khác đi làm thì thiệt thòi vẫn là do NLĐ chứ DN không ảnh hưởng. Có lẽ với cách suy nghĩ đó nên DN không để ý cho lắm việc xét kỹ hồ sơ khi tuyển dụng.
Không chỉ tuyển dụng dễ dàng, các công ty còn lưu trữ hồ sơ rất đơn giản. Để biết việc lưu trữ hồ sơ NLĐ tại các công ty, chúng tôi đã gặp, trao đổi với tổng vụ Công ty Yazaki EDS (TX.Dĩ An). Theo chị Đào Thị Thu Sương, cán bộ tổng vụ của Công ty Yazaki, trước đây, việc quản lý hồ sơ tại các DN chưa ứng dụng phần mềm riêng nên chỉ lưu trữ trong file Excel theo danh sách, số thứ tự, tên, tuổi, quê quán, ngày vào làm việc, số sổ BHXH… do đó không dễ gì phát hiện được việc trùng tên, CMND. Hiện nay, các công ty đều có phần mềm riêng để quản lý nhân sự nhưng rất khó để phát hiện việc trùng tên, CMND trong kho dữ liệu. Có lẽ, đây cũng là lý do có một số trường hợp NLĐ mượn CMND làm hồ sơ xin việc mà không bị phát hiện; đến khi 1 trong 2 người cho mượn, người mượn hồ sơ nghỉ việc cần rút sổ BHXH, hoặc bị tai nạn cần được giải quyết các chế độ bảo hiểm thì công ty mới phát hiện do BHXH thông báo. Trường hợp đó là ở Công ty Daimond (KCN Mỹ Phước II, TX.Bến Cát) với 3 trường hợp trùng tên, số CMND trong hồ sơ xin việc. Với những trường hợp này, nhân sự công ty đã đề nghị họ trực tiếp đến BHXH để giải quyết. Hiện nay, 3 trường hợp này đã nghỉ làm việc tại công ty.
Nhiều lý do mượn hồ sơ xin việc
Cũng chính vì nhu cầu cần lao động, các công ty tuyển dụng lao động dễ dàng nên có “cửa” cho NLĐ mượn danh người khác xin việc. Chúng tôi cũng đã tìm đến một số trường hợp trùng hồ sơ để tìm hiểu về lý do cụ thể. Khó khăn lắm chúng tôi mới có thể thuyết phục và gặp một số trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để đi làm và tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đa số các trường hợp nhận thức rõ việc vi phạm của mình nhưng do hoàn cảnh khiến họ không biết làm gì hơn nên đành chấp nhận.
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp đó là chị Nguyễn Thị Tiên (khu dân cư Trường Sơn, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) vào buổi chiều mưa nặng hạt, con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi vào sâu trong khu nhà trọ. Căn phòng với lỉnh kỉnh các thứ đồ đạc hàng bông, rau củ quả bán ế chất đầy trong phòng. Chị Tiên nhìn chúng tôi ngần ngại rồi giải thích: “Dạo này buôn bán ế ẩm, những rau củ, quả không bán được nên tôi mang về để ăn dần, đỡ đồng nào hay đồng ấy”. Vừa nói, chị Tiên vừa dọn rổ rau đắng đổ tung tóe trên chiếc giường và chỉ tay lên bàn thờ: “Đó là ông xã tôi, mất cách đây 12 năm. Anh ấy bị bệnh ung thư phổi. Anh ấy hiền lắm lại thương vợ, thương con nhưng ông trời không cho anh được sống”. Kể về câu chuyện của 12 năm trước, chị Tiên buồn buồn nói: “Năm 2006, sau cơn ho dai dẳng kéo dài hơn 1 tuần, chồng chị, anh Nguyễn Tấn Dương được bác sĩ cho biết bị bệnh ung thư phổi giai đoạn đầu”. Từ ngày anh bị bệnh, tài sản trong nhàcũng lần lượt “đội nón ra đi”. Với hy vọng mong manh còn nước còn tát, từ một người phụ nữ ở nhà lo chuyện học hành cho con, chị Tiên quyết tâm đi xin việc làm. Không có giấy tờ tùy thân, chị nài nỉ chị Vòng Lý Cú cho mượn chứng minh photo để làm hồ sơ xin việc trong công ty. Cảm thông hoàn cảnh éo le của chị Tiên, chị Cú đồng ý cho chị Tiên toàn quyền sử dụng tên của mình. Từ tháng 4-2006, chị Tiên được Công ty TNHH Chin Hsin Việt Nam nhận vào làm công nhân chính thức với cái tên Vòng Lý Cú và tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Quá trình mang cái tên Vòng Lý Cú đối với chị Tiên là quãng thời gian chị sống trong nỗi thấp thỏm, lo sợ. Nhiều lúc chị muốn nói với đồng nghiệp, chị không phải tên Vòng Lý Cú nhưng nỗi sợ mất việc, không có tiền lo cho chồng. “Có hôm chuyền trưởng gọi tên Vòng Lý Cú lên xác nhận sản lượng trong tuần mà tôi cứ đứng trân trân vô cảm, đến khi người đồng nghiệp vỗ vào vai, giật mình tôi chạy về phía văn phòng công ty”, chị Tiên cho biết. Năm 2011, chồng chị trở bệnh nặng rồi qua đời, chị Tiên không còn động lực để tiếp tục mang tên người khác, chị quyết định nghỉ làm công ty và buôn bán rau ngoài chợ. Những ngày sống lầm lũi, mượn tên của người khác đối với chị thật khó khăn, giờ đây chị muốn tìm lại tên cho chính mình và cùng với chị Vòng Lý Cú trình báo và đối chứng sự việc cho công an và BHXH.
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về trường hợp của anh Lê Văn Ti, khu phố 4, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên. Anh Ti tiếp chúng tôi rất tự nhiên và không hề có ý ngại ngùng về trường hợp của mình. Anh kể với chúng tôi về quá khứ của mình như một kỷ niệm buồn. Anh Ti là trẻ mồ côi, không người thân và cũng không nhớ rõ tuổi tác của mình. Anh chỉ nhớ hồi nhỏ anh có thời gian ở trại trẻ mồ côi. Tuổi thơ là những ngày tháng lang thang kiếm sống ngoài vỉa hè bằng đủ thứ nghề, từ đánh giày, bán vé số đến xin ăn. Đói ăn và không được đi học có lúc đã dẫn anh đến con đường phạm tội nhưng anh Ti đã kịp dừng lại và nhận ra phần lương thiện trong con người mình. Tình yêu làm nên điều kỳ diệu, cuối năm 2006 anh Ti đem lòng yêu thương chị Lương Thị Thảo cùng dãy trọ và thiện chí làm ăn. Anh Ti kể lại: “Mong muốn cưới Thảo làm vợ, xây dựng hạnh phúc gia đình, tôi đến công ty gỗ xin làm công nhân. Lúc này, công ty yêu cầu tôi phải có hồ sơ xin việc, trong khi tôi không biết chữ, không có giấy tờ tùy thân. Kể chuyện đi xin việc với người bạn cùng phòng, anh Dương Văn Tắn đã cho tôi một CMND của một người mang tên Huỳnh Tài Anh”. Có được CMND anh Ti như bắt được vàng, giữgìn thật cẩn thận và làm hồ sơ xin việc. Tháng 10-2008, anh Ti chính thức được Công ty TNHH Quốc tế Hằng Phú ký hợp đồng lao động dài hạn và tham gia BHXH. Có việc làm ổn định, 2 năm sau anh Ti và chị Thảo kết hôn. Bí mật này luôn được anh Ti giữ kín cho đến khi cán bộ làm công tác quản lý hồ sơ BHXH tỉnh phát hiện. Hiện nay, anh Ti đã nghỉ việc ở Công ty TNHH Quốc tế Hằng Phú, BHXH tỉnh đã làm các thủ tục bảo lưu thời gian anh Ti tham gia bảo hiểm từ tháng 10-2008 đến tháng 7-2018.
Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết qua công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH tỉnh đã phát hiện, lập biên bản và mời 103 NLĐ có hồ sơ BHXH bị trùng lên làm việc. Kết quả, BHXH tỉnh đã xác định, nguyên nhân là do NLĐ đã mượn hồ sơ của người thân để vào làm việc tại các đơn vị, DN; sau đó những người cho mượn hồ sơ lại tiếp tục sử dụng chính hồ sơ cho mượn để đi làm việc ở đơn vị, DN khác. Do đó, khi các DN kê khai và tham gia đóng BHXH, hệ thống quản lý dữ liệu của cơ quan BHXH xác định bị trùng hồ sơ nên không thể giải quyết quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. BHXH tỉnh và Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức cuộc họp để thống nhất phương án giải quyết sự việc mượn hồ sơ của người khác để vào làm việc tại các đơn vị, DN.
NHÓM P.V VH-XH
Kỳ 2: Thâm nhập dịch vụ nhận làm hồ sơ giả